Doanh nghiệp "đói" thông tin và hỗ trợ pháp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hỗ trợ thông tin cũng chính là hỗ trợ pháp lý cho DNNVV vì họ không có đội ngũ tư vấn thường xuyên, vậy có cần thiết kế một phần riêng về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong Luật Hỗ trợ DNNVV hay không? Vấn đề này đã được đem ra mổ xẻ tại Tọa đàm “Góp ý xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, công tác hỗ trợ thông tin, đặc biệt là thông tin về pháp lý rất quan trọng đối với DNNVV, bởi hầu hết các doanh nghiệp được hình thành trên nền tảng kiến thức pháp lý thấp, cộng thêm thói quen sử dụng các mối quan hệ mà không cần đến dịch vụ pháp lý.

Tuy nhiên trong Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vai trò của hỗ trợ pháp lý còn rất mờ nhạt, cũng như vai trò của Bộ Tư pháp trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý. Dự thảo chỉ có duy nhất 1 dòng ở khoản 4 Điều 33 có nhắc đến hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phó Ban soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ – cho rằng, Dự thảo không nhắc đến không có nghĩa là vấn đề này bị xem nhẹ. “Thực chất hỗ trợ pháp lý đã có ở trong đào tạo, trong tư vấn và rất nhiều chương trình khác. Luật cũng không thể thay thế hết các chương trình này, nhưng cố gắng lồng ghép tối đa và vận dụng các chương trình đang thực hiện để lồng ghép chung vào các chương trình sẽ thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo tân dụng tốt nhất mọi nguồn lực,” ông Nguyễn Hoa Cương nói.

Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Tú – Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng ban quản lý chương trình hỗ trợ DNNVV –  vấn đề cung cấp thông tin cho DNNVV còn chưa được tập trung, thực tế DNNVV không biết hỗ trợ bao nhiêu, ai chủ trì, hỗ trợ như thế nào. Vì vậy, Dự thảo Luật cần tập trung chủ yếu vào hỗ trợ cung cấp thông tin, làm sao cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, qua đó doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực và thị trường, làm hạn chế rủi ro có thể gặp phải trong bối cảnh hội nhập.

Tuy nhiên, ông Hà Quang Bảo – Phó Chủ nhiệm khoa Luật, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội – cho rằng doanh nghiệp hiện nay không có nhiều thông tin về hỗ trợ cũng như thông tin về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Bảo thừa nhận bản thân ông cũng chỉ tiếp cận Dự thảo vào buổi tối trước ngày tham dự Tọa đàm này, nhưng để tiếp cận được Dự thảo lại không hề dễ dàng.

“Tôi phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm được Dự thảo luật từ internet. Tìm kiếm qua Google, chỉ thấy một vài bài báo viết về Dự thảo này, vào cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tìm nhưng cũng chỉ tìm được bản scan theo định dạng pdf. Việc đọc bản scan này là rất khó cho những ai muốn tìm hiểu, góp ý cho Dự thảo,” ông Hà Quang Bảo nói.

Theo khảo sát nhanh của PV Infonet đối với đại diện các DNNVV tham gia góp ý xây dựng luật tại buổi tọa đàm, hầu hết đều trả lời rằng họ cũng mới chỉ tiếp cận Dự thảo này và chưa thực sự dành thời gian nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Trong khi đó, bản thân họ là đối tượng có liên quan trực tiếp đến Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước khi Tọa đàm này diễn ra, PV Infonet cũng đã thử làm một cuộc khảo sát nhỏ đối với một số doanh nhân trẻ đang khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ thông tin. Các doanh nhân này đều cho biết họ chưa nghe đến Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, Dự thảo dành hẳn một chương dành cho các start-up với những ưu đãi tới mức những người soạn thảo phải “nghe ngóng” để tránh vi phạm các cam kết TPP và các FTA Việt Nam đã và đang đàm phán.

Nguyễn Tuân
Nguồn: http://infonet.vn/doanh-nghiep-doi-thong-tin-va-ho-tro-phap-ly-post202025.info