Doanh nghiệp dược phẩm thua ngay trên sân nhà
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Nhiều doanh nghiệp dược của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn GMP của Việt Nam hoặc của ASEAN. Chính vì vậy, rất khó khăn để chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ và Nhật Bản. Và khó khăn hơn là thua ngay trên sân nhà khi không cạnh tranh được với thuốc ngoại”.
Ông Truyền cho biết thêm, trong 2 thập kỷ qua, công nghiệp dược Việt Nam đã phát triển về lượng. Tuy nhiên về mặt chất thì còn là thách thức lớn lao. Và ngành dược Việt Nam cũng phải hướng đến là không phải chỉ cung cấp thuốc cho dân Việt Nam mà còn phải xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của thế giới.
“Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải tính tới việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp, từ đó thu hút FDI vào ngành dược phẩm. Có như vậy dược phẩm Việt Nam mới đạt được những tiêu chuẩn GMP của những thị trường khó tính cũng như chinh phục lòng tin của chính người tiêu dùng nội địa” – Ông Truyền nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu, trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp Dược nước ta có sự phát triển khá mạnh. Điều này được thể hiện ở giá trị sản xuất thuốc trong nước liên tục tăng. Năm 2006, giá trị thuốc sản xuất trong nước đạt 475,4 triệu USD và năm 2007 tăng lên 600,6 triệu USD và năm 2008 đạt 693,7 triệu USD.
Theo Cục quản lý Dược Việt Nam, hiện nay, sản lượng thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ thuốc nội điạ và đang hướng ra xuất khẩu.
Xuất khẩu dược phẩm trong những năm gần đây cũng có nhiều khởi sắc, tổng giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt 22,1 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2006 và năm 2008 đạt khoảng 39 triệu USD, tăng 76,4% so với năm 2007. Tuy nhiên, so với giá trị sản xuất thuốc trong nước, con số này còn quá khiên tốn. Xuất khẩu dược phẩm năm 2008 chỉ mới đạt tỷ trọng 5,6% so với tổng giá trị dược phẩm sản xuất trong nước. Thị trường xuất khẩu dược phẩm chủ yếu của Việt Nam trong những năm gần đây là châu Phi, Nga, một số nước láng giềng.
Vừa qua, chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chính sách hướng dẫn phát triển ngành công nghiệp dược phẩm với tầm nhìn tới năm 2030 mà cụ thể là qui hoạch tổng thể API. Mục tiêu của qui hoạch là sản xuất trong nước đảm bảo đáp ứng 20% nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc năm 2015, 40% vào năm 2020 và 70% năm 2025; xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu, khai thác chế biến nguyên liệu, đầu tư phát triển ngành hóa dược. Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp