Doanh nghiệp khoa học công nghệ có chính sách riêng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại tọa đàm “Doanh nghiệp Khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo” do tạp chí Tia sáng tổ chức ngày 23-3-2013 tại Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói: “Bộ mong muốn đến năm 2015 cả nước sẽ có 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ”.

Để mong ước thành hiện thực, theo ông Quân, bộ sẽ khuyến khích các viện, trường đại học thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học ứng dụng – để đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào cuộc sống.

Tuy nhiên, tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay sản phẩm khoa học công nghệ đi đến đích (từ nghiên cứu đến thương mại) rất ít do cách nghiên cứu khoa học nửa vời. “Tính chuyên nghiệp của các nhà khoa học không cao, tính liên nghành, liên thông thấp… nên thương mại hóa các nghiên cứu rất khó”, ông Đức nói.

Vì vậy có những doanh nghiệp làm theo cách riêng của mình. Nhưng trường hợp của ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I. Theo ông Minh, thiết bị công nghệ rất quan trọng – giúp làm ra sản phẩm tốt và đủ sức cạnh tranh. “Minh Long I nhập dây chuyền sản xuất đồ sứ của Đức và tự mày mò cải tiến liên tục mới có được thành công”, ông Minh nói.

Trong khi ông Phan Đình Phương, Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh quan niệm: “Bắt chước không thể có sự tiến bộ đột phá”. Vì vậy ông đã tự nghiên cứu, sáng tạo và chế tạo ra máy quét rác dựa vào khí động học (tương tự cánh quạt máy bay); thiết bị chữa cháy bằng hơi nước… để tạo ra sự khác biệt của doanh nghiệp.

Dù những nghiên cứu của An Sinh được các cơ quan chức năng đánh giá là khá độc đáo và có ích cho xã hội, nhưng hiện An Sinh đang gặp khó khăn là thiếu vốn để đầu tư nhà máy sản xuất máy quét rác kết hợp chữa cháy để thương mại hóa.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan cho biết chính sách ưu đãi vốn, miễn giảm thuế… cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã có nhưng thực tế những chính sách này không đến được với doanh nghiệp. Ông nêu dẫn chứng từ công ty Mỹ Lan, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng nhưng đơn xin được giảm thuế hai năm rồi chưa thấy hồi âm của cơ quan chức năng.

Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết Rạng Đông “chết đi sống lại” nhờ chính sách sử dụng nhân tài từ các viện, các trường đại học để đổi mới và phát triển khoa học công nghệ; nếu không ứng dụng khoa học công nghệ công ty đã không tồn tại được.

Theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu, lấy tiền từ ngân sách rất gian khổ vì công ty của ông sản xuất các sản phẩm khoa học từ nhiều nguồn vốn nhưng hầu hết phục vụ cho phúc lợi xã hội. “Tôi ra Hà Nội 20 lần ‘cầu cứu’ mới được miễn thuế… Chính sách ưu đãi các doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện hành không đi vào cuộc sống”, ông Thảo than.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, không có một thể chế thích hợp thì không thể có một cuộc cách mạng khoa học. Theo ông Doanh, thể chế của Việt Nam hiện nay không khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ. Thực vậy, trong vòng 10 năm, từ 2000 đến 2010, giá bất động sản tăng 10 lần nên nhiều nhà đầu tư đổ vào bất động sản dễ kiếm tiền hơn đầu tư khoa học công nghệ cho doanh nghiệp.

Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ thông tin Naiscorp cho biết có nhiều lúc ông cũng muốn nhảy vào lĩnh vực bất động sản nhưng niềm đam mê công nghệ thông tin quá lớn. Câu chuyện khởi nghiệp chỉ 25 triệu đồng, sau 4 tháng có nhà đầu tư nước ngoài đòi mua lại công ty với giá 25 triệu đô la Mỹ của ông Tài được coi như một thành công điển hình tại buổi tọa đàm.

“Quan điểm của chúng tôi là kinh doanh dịch vụ trên nền khoa học công nghệ thông tin. Hiện sản phẩm của chúng tôi có 20 triệu người sử dụng. Quan điểm của tôi, lợi nhuận có được sẽ tái đầu tư toàn bộ cho khoa học công nghệ”, ông Tài nói.

Tuy nhiên nhìn ở góc vĩ mô, bà Phạm Chi Lan, cho rằng chuyện có quá ít doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vẫn là câu chuyện của những năm 1997. “Thậm chí bây giờ còn nặng nề hơn khi môi trường kinh doanh đẩy chi phí bôi trơn lên quá cao”, bà Lan nói.

Bà Lan kể, mới đây bà có dịp ghé thăm một cơ sở sản xuất ở Bà Rịa, doanh nghiệp đầu tư hệ ống xử lý nước thải của Đức nhưng xin hoài không được cái giấy chứng nhận (để làm các thủ tục giảm thuế). Bà nói: “Chẳng lẽ kiểm soát chất lượng nước thải của Việt Nam tốt hơn Đức? Cách quản lý của mình không những không khuyến khích mà còn làm nản lòng các doanh nghiệp”.

Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo cho biết thật buồn khi Việt Nam không có những tỉ phú kiếm tiền từ phát triển ứng dụng khoa học công nghệ như Toyota, Sony, Samsung; nhưng lại có nhiều tỉ phú “là những người lấy đất, lấy tiền của người khác làm của mình”.

Ông nêu trường hợp một anh nông dân chế ra được máy gặt đập liên hợp rất tốt. Anh này muốn đầu tư nhà máy sản xuất nhưng không vay được vốn. Ông Xuân kiến nghị: “Bộ Khoa học và Công nghệ cần phát hiện ra những nghiên cứu, những sản phẩm tốt để hộ trợ, nâng quy mô đầu tư phát triển cho doanh nghiệp theo chuổi giá trị – không nên đầu tư theo từng công đoạn”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tới đây bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp khoa học phát triển, theo hướng hỗ trợ cho chuỗi giá trị.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online