Doanh nghiệp lơ là phòng chống thiên tai
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp còn thụ động

Tại hội thảo về “Quản lý rủi ro khi có thiên tai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Quỹ châu Á (TAF) và VCCI phối hợp tổ chức ngày 23-11 tại Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng, đa số các doanh nghiệp vẫn còn rất thụ động trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra.

Qua khảo sát của VCCI tại Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, có đến 67% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có danh sách số điện thoại khẩn cấp khi thiên tai xảy ra; 69% không có hệ thống thông tin dự phòng, 88% không có phương án giao thông dự phòng; 90% không có phương án bảo vệ hệ thống cấp thoát nước; 92% không có báo cáo thiệt hại cho cơ quan chức năng.

Theo kết quả khảo sát của VCCI đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại 3 địa phương trên cho thấy 46% doanh nghiệp có quan tâm đến thiên tai nhưng chưa có kế hoạch phòng chống và ứng phó với thiên tai; 43% doanh nghiệp chưa có kế hoạch phân công nhiệm vụ khẩn cấp khi có thiên tai.

Theo ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI tại Đà Nẵng, việc không có kế hoạch ứng phó là nguyên nhân làm sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và nhiều hệ lụy kéo theo. Điển hình như việc không thống kê, báo cáo thiệt hại cho cơ quan chức năng là việc thiếu chủ động của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp có mua bảo hiểm rủi ro thiên tai thì các công ty bảo hiểm không có cơ sở để tính mức bồi thường thiệt hại.

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ châu Á về từ thiện tai Việt Nam cho thấy trong khi các doanh nghiệp rất tích cực đóng góp từ thiện cho những vùng chịu thiệt hại do thiên tai nhưng hầu như rất ít doanh nghiệp tham gia vào những việc phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai.

Ông Dương Cao Kỳ Quan, đại diện của khách sạn Victoria Hội An, Quảng Nam cho biết phần lớn các doanh nghiệp tại miền Trung thường bị thiệt hại về cơ sở vật chất khi có bão, lũ. Mặc dù doanh nghiệp đã có những biện pháp phòng ngừa nhưng do phụ thuộc nhiều vào hệ thống giao thông, điện lưới, hệ thống cấp thoát nước của thành phố và của tỉnh nên khi xảy ra thiên tai việc phòng ngừa không mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp phải thoát khỏi tư duy “nước đến chân mới nhảy” thì khi đó việc phòng ngừa mới thật sự mang lại hiệu quả. Ví dụ, khi doanh nghiệp nhận thấy có thể sẽ có bão làm ngập, lụt thì có thể chủ động di dời trước tài sản, khi đó thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.

Chuẩn bị hơn là đối phó

Thực tế, qua những thiệt hại do bão lũ, gây ra trong thời gian qua tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam cho thấy đa số doanh nghiệp vẫn còn lơ là, chủ quan, còn các cơ quan chức năng thì lúng túng, thiếu đồng bộ trong khâu ứng phó với thiên tai.

Theo khảo sát từ VCCI, tổn thất do thiên tai của các doanh nghiệp khá đáng kể. Trong đó, 5,13% số doanh nghiệp bị thiệt hại rất nặng nề, 29,91% số doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, 42,74% doanh nghiệp thiệt hại ít. Ví dụ cơn bão Xangsane năm 2006, công ty dược phẩm Danapha của Đà Nẵng thiệt hại gần 40 tỉ đồng và Công ty Daehan 14 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy 47% doanh nghiệp chưa có kế hoạch bảo vệ thiết bị, dữ liệu cần thiết và 57% số doanh nghiệp chưa mua bảo hiểm rủi ro thiên tai. Kết quả cũng cho thấy 33% doanh nghiệp đã có kế hoạch nhưng không đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện.

Trước những diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, không theo quy luật như trước đây, ông Nguyễn Diễn cho rằng để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì các doanh nghiệp cần tập trung cho việc chuẩn bị hơn là việc ứng phó và cứu trợ. Trong đó, hình thức góp tiền cứu trợ cho các vùng bị thiên tai nên chuyển sang góp bằng nguồn lực và các thiết bị cần thiết. Ví dụ: Khi có thiên tai xảy ra nên thành lập các đội cứu hộ tình nguyện để làm công tác cứu trợ hơn là hình thức góp tiền.

“Việc lập kế hoạch đúng đắn trong việc quản lý rủi ro thiên tai là điều hết sức cần thiết nằm trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lơ là về yếu tố này và lập một kế hoạch sai thì chắc chắn nhận hậu quả nặng nề, nhất là đối với các doanh nghiệp khu vực chịu nhiều lụt bão như miền Trung”, ông Diễn nói.

Ông Diễn cho rằng doanh nghiệp chi một đồng phòng ngừa còn hơn là chi 5 đồng cho khắc phục.

Còn đại diện của Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng cho biết, để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai thì cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, phải tăng cường năng lực cho các tổ chức phi chính phủ, đơn vị ứng phó khẩn cấp hoặc các đội phản ứng nhanh trong tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, cần có những khóa tập huấn cho doanh nghiệp cách phòng ngừa và ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Khi doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt thì sẽ giảm được thiệt hại về tài sản, tính mạng người lao động, và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hội thảo tập huấn về quản lý rủi ro và phòng chống thiên tai cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực miền Trung là chương trình nằm trong dự án Quản lý rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng tại Việt Nam do cơ quan hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID) tài trợ.

Mục tiêu của chương trình là xây dựng được ở mỗi địa phương (gồm Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà) một đội ngũ giảng viên, cán bộ có kiến thức chuyên môn và có kinh nghiệm về rủi ro thiên tai.

Ngoài ra, hội thảo cũng hướng dẫn cách thức lập một kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với rủi ro thiên tai tại doanh nghiệp và tạo cơ hội để các học viên thực hành. Các buổi hội thảo tập huấn cũng được tổ chức ngày 23 và 24-11 tại Khánh Hòa, và ngày 28 và 29 tại Nghệ An.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online