Doanh nghiệp lớn cũng bi quan về kinh tế 2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, năm 2012 được nhận định là một năm kinh doanh kém hơn năm 2011. Có tới 50% lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự vào CLB V1000 nhận định rằng, tình hình hoạt động của doanh nghiệp của họ xấu hơn so với năm 2011. Chỉ 19% doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012 của họ tốt hơn so với năm 2011. 100% đại diện của ngành ngân hàng tài chính chỉ ra rằng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 không bằng năm 2011. 60% các doanh nghiệp sắt thép – xây dựng cũng chia sẻ nhận định này. Tỷ lệ này thấp hơn đối với các ngành nghề khác.

Trong khi đó, triển vọng năm 2013 sẽ không sáng sủa hơn so với năm 2012 và nền kinh tế chỉ phục hồi sau năm 2013.  Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với khó khăn lâu hơn. Có tới 55% số doanh nghiệp cho rằng, nền kinh tế sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2013. Số doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh trong năm 2013 sẽ xấu hơn năm 2012 nhiều hơn số doanh nghiệp tin vào điều ngược lại. Chỉ có 33% cho rằng nền kinh tế sẽ hồi phục trong sáu tháng cuối năm 2013, trong khi chỉ 1% tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi 6 tháng tới. Niềm tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 đã giảm đi so với thời điểm tháng 8, khi mà có đến 60% đại diện các doanh nghiệp được điều tra cho rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2013 hoặc sớm hơn.

Do kinh tế năm 2012 khó khăn nên đa số các chủ doanh nghiệp cho biết, cắt giảm chi phí cũng đóng góp tới lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2012. Bức tranh này cũng thể hiện trong phần lớn các ngành nghề, trừ ngành dệt may. Đa số đại diện ngành dệt may cho biết, lợi nhuận năm 2012 của họ đến từ mở rộng sản xuất kinh doanh chứ không phải cắt giảm chi phí.

Mặc dù đánh giá bi quan về triển vọng của nền kinh tế nói chung và các thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải nói riêng trong năm 2013, song đa số doanh nghiệp tin tưởng vào cam kết của chính phủ về kiềm chế lạm phát, cũng như tin tưởng rằng ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong năm 2013. Đa số các doanh nghiệp tin tưởng vào thông điệp mới đây của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ lạm phát 1 con số của Việt Nam trong năm 2013. Đặc biệt, có tới 76% các doanh nghiệp dự kiến sẽ vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh trong năm 2013. Điều này cho thấy một sự cải thiện đáng kể về niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có tới 50% số doanh nghiệp dự kiến nguồn huy động vốn chính trong năm 2013 của doanh nghiệp sẽ là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, các doanh nghiệp đều cho rằng tái cấu trúc doanh nghiệp là tất yếu, trong đó, hơn 90% các nhà quản lý doanh nghiệp nhận định rằng, tái cấu trúc đã, đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam với dự kiến giữ nguyên quy mô về lao động và vốn trong năm 2013. Muốn làm được điều này, hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính phủ duy trì môi trường kinh doanh ổn định và công bằng, nhất là về lãi suất, lạm phát và khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, các giải pháp tư vấn nhằm hỗ trợ về tái cơ cấu nợ và cơ cấu doanh nghiệp cũng được đánh giá là cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại…

Nguồn: www.taichinhdientu.vn