Doanh nghiệp lữ hành điêu đứng với đô la
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Liên bang Travel Link, sau vài phút tính toán đã than với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng chưa tính đến khách lẻ, chỉ tính riêng 15 đoàn khách quốc tế với 300 khách đi du lịch Việt Nam trong tháng này, công ty của ông đã mất đến hơn 1.200 đô la Mỹ. Ông than rằng đây là thời buổi khó khăn của doanh nghiệp lữ hành.

Càng lớn càng mất nhiều tiền

Có hai nguyên nhân khiến doanh nghiệp lữ hành mất tiền. Thứ nhất là sự sụt giảm mạnh của tỷ giá VND/USD. Kế đến, từ đầu năm nay, ngân hàng đã tính thêm phí đổi tiền từ đô la Mỹ ra tiền đồng Việt Nam thay vì chỉ tính phí thủ tục đổi tiền, vào khoảng khoảng 24- 25 đô la Mỹ/1.000 đô la Mỹ như trước đây.

Trở lại câu chuyện của ông Thành nói trên, vào thời điểm ký hợp đồng 57.000 đô la Mỹ để tổ chức tour cho 300 khách trên thì tỷ giá là 16.100 đồng “ăn” 1 đô la Mỹ. Đến nay, 1 đô la Mỹ chỉ đổi được 15.914 đồng (tính theo tỷ giá hôm thứ Năm tuần rồi, ngày 6-3), cộng thêm phí đổi tiền là 284 đồng/1 đô la Mỹ thì cứ 1 đô la Mỹ thu được từ hợp đồng, ông Thành mất 470 đồng. Tổng cộng, với hợp đồng cho 300 khách quốc tế đi du lịch Việt Nam như trên công ty đã mất hơn 1.200 đô la Mỹ.

“Cũng may là khách đi tour ngắn ngày, dùng dịch vụ khoảng 4 sao nên còn thiệt ít. Chứ nếu khách đi dài ngày và dùng dịch vụ cao cấp hơn thì tôi còn mất nhiều tiền hơn,” ông Thành nói.

Liên Bang Travel Link chỉ là một trong số những doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đang lao đao với sự sụt giảm của đồng đô la Mỹ với một số đồng tiền khác. Từ trước đến nay, doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng, bán tour đi du lịch nước ngoài, tour cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch bằng đô la Mỹ. Cho nên sự mất giá của đồng tiền này đã ảnh hưởng ngay đến doanh nghiệp.

Trường hợp của Liên Bang Travel Link, với gần 9.000 khách quốc tế và khách Việt đi du lịch nước ngoài (outbound) mỗi năm thì thiệt hại còn nhỏ. Còn những công ty có lượng khách lớn, với hàng chục ngàn khách mỗi năm thì thiệt hại càng lớn hơn. Bến Thành Tourist làm một phép tính cụ thể là hiện tại cứ tổng giá trị tour là 100.000 đô la Mỹ thì công ty này mất trên 20 triệu đồng do sự biến động tỷ giá. Với tỷ suất lợi nhuận trung bình chỉ vào khoảng 5-10% thì với việc trích lợi nhuận bù vào phần giá dịch vụ tăng nhằm giữ giá tour đã khiến ngành lữ hành đang lâm vào tình hình khó khăn.

Trong thời gian gần đây, do giá dịch vụ khách sạn, vận chuyển tăng, các doanh nghiệp lữ hành không thể gánh nổi chi phí tăng thêm nên phải tăng giá tour làm cho điểm đến Việt Nam ngày càng đắt đỏ. “Du khách và đối tác nước ngoài ngày càng than phiền về giá. Mới đây một đoàn khách Pháp đã quyết định sang Singapore thay vì Việt Nam do giá tour đắt,” Phó tổng giám đốc Fiditourist Đặng Trung Nghĩa than.

Theo ông Nghĩa, với tình hình biến động về tỷ giá, giá dịch vụ như thế này thì giá tour du lịch nội địa (inbound) trong năm nay sẽ tăng khoảng 30%. Trong khi đó, tại Trung tâm tổ chức sự kiện CITE thì giá tour inbound của năm 2007 đã tăng khoảng gần 50% so với năm 2006 do các tour này đều dùng các dịch vụ cao cấp.

Những biến động về mặt giá cả không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp lữ hành mà cũng làm ảnh hưởng đến khách du lịch. Không như trước đây, khách hàng hiện tại chỉ nhận được báo giá cuối cùng vào thời điểm cận ngày khởi hành tour du lịch còn giá ban đầu chỉ là tham khảo. Doanh nghiệp không dám mạo hiểm ấn định giá tour như trước đây vì sợ biến động. Với những khách đăng ký tour nhưng không đóng tiền ngay mà vẫn để ở tình trạng “chờ xác nhận” thì giá tour sẽ thay đổi liên tục.

Các đây hai tuần, khi đặt tour đi Trung Quốc và Tây Tạng vào giữa tháng 4 này, người viết đã rất bất ngờ vì giá quá cao so với trước đó. Theo giải thích của nhà tour thì giá cao do sự sụt giảm tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ và đồng đô la Mỹ và một nguyên nhân khác là phụ phí xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, mức giá cao trên có thể sẽ tiếp tục thay đổi. “Đến khi khách đặt tour và thanh toán thì mới tính theo giá ngay lúc đặt dịch vụ,” phó phòng du lịch nước ngoài của một công ty du lịch nói.

Bà Lê Hoàng Yến, Giám đốc của CITE cho biết với chương trình tổ chức tour cho khoảng 400 khách Anh sang Việt Nam du lịch và tham dự hội thảo về thủy điện, công ty này đã báo giá lại đến bốn lần, mỗi lần như vậy giá đều tăng. “Tour này đã đăng ký hơn một năm trước nhưng chưa xác nhận và đóng tiền nên chúng tôi đã áp dụng cách này,” bà Yến nói.

Xoay sở để sống chung với biến động

Trước tình hình giá cả biến động gần như mỗi ngày như hiện nay thì các doanh nghiệp lữ hành cũng phải linh hoạt theo thị trường. Nhiều công ty đã thay đổi cách ký hợp đồng, thay vì dài hạn trong khoảng một năm hoặc nhiều năm như trước thì nay chỉ là hợp đồng ngắn hạn, thường là ba hoặc sáu tháng. Với những hợp đồng dài hạn thì đa phần các công ty chọn cách báo giá theo từng thời điểm.

Từ cuối năm ngoái, CITE đã bắt đầu chọn cách ký hợp đồng ngắn hạn với đối tác nước ngoài. Cuối tuần trước, công ty này cũng đã áp dụng việc ký hợp đồng và niêm yết giá dành cho khách châu Âu bằng đồng euro. Khoảng hai tuần trước, Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng đã thông báo giá tour đến châu Âu bằng euro.

Sáng 10-3, sau khi họp bàn về tình hình mới, Bến Thành Tourist cũng đã quyết định việc tương tự và bắt đầu thực hiện ngay trong ngày. Còn Liên Bang Travel Link cũng đã chọn cách ký hợp đồng ngắn hạn. Đối với các đối tác truyền thống, Liên Bang Travel Link cũng vẫn ký hợp đồng dài hạn nhưng sẽ tính thêm phí dao động vào khoảng 20%.

“Dĩ nhiên là đối tác của chúng tôi không hài lòng và lượng khách sẽ giảm nhưng chuyện biến động trong kinh doanh không chỉ có ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Do đó, một số đối tác cũng chấp thuận với phương án của chúng tôi,” bà Yến thuộc CITE nói.

Ông Thành của Travel Link cũng có nhận xét tương tự và cho biết cùng với xu thế tăng trưởng chung của lượng khách du lịch trên thế giới, khách quốc tế vẫn tiếp tục đến Việt Nam. Tuy nhiên, với sự thay đổi thất thường, theo chiều tăng cao của giá dịch vụ thì các đối tác nước ngoài sẽ không ưu tiến đưa khách cũng như ưu tiên bán các chương trình đến Việt Nam.

Do đó, không chỉ dừng lại ở việc linh hoạt trong ký hợp đồng, tính giá tour để đối phó với tình hình mới mà một số doanh nghiệp đã tính đến việc phát triển những mảng kinh doanh mới để tạo lợi nhuận. “Phải tính thôi! Lữ hành chắc phải chuyển đến mảng đầu tư mới để công ty được ổn định,” một doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM nói với phóng viên báo chí.

Giám đốc của Liên Bang Travel Link cũng trầm ngâm khi nói về các kế hoạch làm tour inbound. Theo ông Thành, hiện giờ làm inbound rất khó thắng vì phải trích lợi nhuận để giữ giá tour hoặc kiếm lời rất ít. “Vì thế, hiện tại tôi đang đẩy mạnh tour outbound dài ngày, đặc biệt là tour đến Mỹ vì lợi nhuận khá cao”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online