Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi thêm vaccine cho Việt Nam để bảo toàn chuỗi cung ứng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ (AAFA) kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vaccine cho Việt Nam để bảo toàn chuỗi cung ứng trong 2 ngành công nghiệp dệt may và giày dép.

doanh nghiệp Mỹ muốn chính phủ cung cấp thêm vaccine cho Việt Nam
Doanh nghiệp Mỹ muốn chính phủ cung cấp thêm vaccine cho Việt Nam để bảo toàn chuỗi cung ứng trong ngành dệt may, giày dép.

Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ (AAFA) vừa kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vaccine cho Việt Nam để duy trì chuỗi cung ứng  trong 2 lĩnh vực dệt may và giày dép.

Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AAFA hôm 27/7 đã có hai lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Hiệp hội đại diện cho các thương hiệu thời trang toàn cầu như Adidas, Gap… kêu gọi Chính phủ Mỹ gửi thêm vaccine cho Việt Nam, bao gồm cả vaccine AstraZeneca từ kho dự trữ. Theo ông, hành động này không chỉ cứu sống hàng triệu sinh mạng mà còn có thể thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phục hồi.

Ngoài vaccine, đại diện cho các doanh nghiệp dệt may, giày dép Mỹ cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ tặng vật tư xét nghiệm và PPE đã được Ủy quyền Sử dụng Khẩn cấp của Hoa Kỳ (EUA) phê duyệt.

“Thành công của ngành may mặc, giày dép Mỹ, với hơn 3 triệu công nhân Mỹ phụ thuộc trực tiếp vào các nhà cung cấp trên khắp thế giới. Việt Nam là nhà cung cấp hàng dệt may, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chiếm 20% tổng lượng hàng nhập khẩu của nước này. Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp chính các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành sản xuất giày dép của Mỹ. Do đó, sự thành công của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sức khoẻ, theo đúng nghĩa đen, của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông Steve Lamar cho biết.

Trong thư, ông Steve Lamar cho biết, các doanh nghiệp cung ứng của các ngành này thường tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam, xung quanh TP HCM, với lực lượng lao động khoảng 4 triệu người, kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm. Hiện các tỉnh này chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ tư.

“Không có vaccine thì không có cách nào để người lao động trở lại làm việc an toàn”, ông Steve Lamar nhấn mạnh. Điều này có thể dẫn đến những thiệt hại không đáng có về sinh mạng và khiến hàng trăm nghìn công nhân, những người đóng góp cho kinh tế Việt Nam và Mỹ, đối mặt với nhiều thách thức khi các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.

Trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AAFA nói răng, doanh nghiệp Mỹ mong Thủ tướng ưu tiên phân phối vaccine cho các ngành hàng may mặc, giày dép, đặc biệt tại phía Nam, nơi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo người lao động trong các ngành này có thể sản xuất và vận chuyển hàng hóa một cách an toàn, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AAFA cũng kêu gọi Thủ tướng tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp địa phương, đặc biệt là các đối tác trong ngành may mặc, giày dép để xác định và triển khai các giải pháp sáng tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp ngành tiếp tục hoạt động một cách an toàn trong thời gian cuộc khủng hoảng này.  

AAFA là hiệp hội thương mại quốc gia đại diện cho các công ty may mặc, giày dép và các sản phẩm may, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu trên toàn cầu, với 3 triệu công nhân, đóng góp hơn 350 tỷ USD vào doanh thu bán lẻ hàng năm của Mỹ. AAFA  cũng là một phần của ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 1,5 nghìn tỷ USD, tạo việc làm cho 150 triệu công nhân trên toàn thế giới.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cả 2 ngành công nghiệp dệt may, giày dép, với kim ngạch xuất khẩu vượt 20 tỷ USD. Năm 2020, xuất khẩu sang Mỹ dù giảm 5,8% so với 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn đạt 13,99 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 46,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành