Doanh nghiệp nản vì không được lắng nghe
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ ngành chần chừ, không hợp tác

Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiệp hội này đã có bản kiến nghị dài 43 trang để gửi các bộ ngành, nói về các vướng mắc thực tế doanh nghiệp gặp phải, nhưng VASEP không tin những ý kiến này được lắng nghe. “Khi Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh được ban hành, các doanh nghiệp trong hiệp hội rất phấn khởi, chờ đợi cải cách, thẳng thắn góp ý, nêu lên bất cập về chính sách. 

Song chúng tôi đã tham gia ý kiến từ lâu nhưng cơ quan quản lý dường như không lắng nghe, làm doanh nghiệp chán chường, thất vọng”- ông Nguyễn Hoài Nam thẳng thắn nói. Theo đại diện của VASEP, những góp ý này đều được Hiệp hội tổng kết từ thực tiễn sản xuất, xuất khẩu, có tiếp thu cả thông lệ quốc tế nhưng các bộ, ngành còn “chần chừ, không hợp tác”. Không chỉ VASEP, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhiều lần chia sẻ về thực trạng này. 

Bà Đỗ Thị Thu Phương – đại diện Công ty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Tân Phong cho biết, kể từ khi thành lập tới nay, công ty chưa từng nhận được câu hỏi, phiếu lấy ý kiến từ bất kỳ cơ quan Nhà nước nào về văn bản pháp luật mà đều phải tự tìm hiểu để tuân thủ cho đúng. Kênh thông tin thông thường là qua báo chí, hiệp hội doanh nghiệp. 

Theo nghiên cứu gần đây của VCCI, 78% doanh nghiệp chưa bao giờ được hỏi ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật trong khi có khoảng 700 văn bản pháp luật có liên quan đến đối tượng này. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trong quá trình tham vấn xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo thường hỏi ý kiến doanh nghiệp lớn, ít khi hỏi doanh nghiệp nhỏ (tỷ lệ doanh nghiệp lớn được hỏi ý kiến gấp 3 lần doanh nghiệp nhỏ).

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn thường có lợi ích khác trong tham vấn chính sách, nên nhiều trường hợp không đảm bảo tính khách quan, dẫn đến văn bản ban hành ra không phù hợp với thực tế, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp. “ Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in đã khiến toàn bộ các doanh nghiệp ngành in ở TP.HCM bị sốc. Nhiều giấy phép đã được bãi bỏ bỗng nhiên được khôi phục lại, gây phiền toái và tốn kém”- ông Đậu Anh Tuấn cho hay.

Tại cả đôi bên

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Trần Văn Lợi – đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng còn thụ động trong việc góp ý cho văn bản, chính sách pháp luật. “Chỉ khi đụng chạm đến quyền lợi và nghĩa vụ thì họ mới lên tiếng” – ông Trần Văn Lợi nói. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cho hay, việc tham gia xây dựng chính sách rất mất thời gian, tiền bạc và có cả rủi ro. Có doanh nghiệp kiến nghị đơn giản hóa thủ tục thuế thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ bị thanh tra, kiểm tra thuế. “Đấu tranh thì tránh đâu”- doanh nghiệp này nói.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cơ chế tham vấn hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng của các bên, không cung cấp đủ thông tin cho doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp không biết đến việc xây dựng chính sách pháp luật, chứ chưa nói đến việc tham gia vào quy trình này. Ngược lại, cơ quan Nhà nước đôi khi cũng gặp khó khăn, lúng túng trong việc lấy và tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình hội nhập toàn cầu, tham gia các Hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ. Việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển là yêu cầu bức thiết. Nhưng để làm được điều này, hệ thống chính sách cần có sự tham gia góp ý thẳng thắn, sát thực tế từ doanh nghiệp. Rõ ràng, cơ quan quản lý cần công tâm, cầu thị lắng nghe để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Phó ban Pháp chế VCCI cho biết: “Bộ KH- ĐT đứng đầu bảng xếp hạng về tiêu chí hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. 

Tiếp theo là Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ-TB&XH… Việc lấy ý kiến trong soạn thảo văn bản pháp luật hiện nay chưa có cơ chế cụ thể, không biết ai làm đúng, làm sai, các bộ có thiện chí không?”. Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô