Doanh nghiệp ngại lĩnh vực sau hạt gạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Doanh nghiệp ngại “chơi” với phụ phẩm

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng hiện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào các công đoạn sau hạt gạo, như sản xuất củi trấu từ trấu (doanh nghiệp Quang Trung ở thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; doanh nghiệp Hoàng Minh Nhật ở Cần Thơ) hay trích ly dầu từ cám gạo để làm dầu ăn (Công ty Dầu thực vật Cái Lân, Cần Thơ)…

“Hồi xưa, vào những lúc cao điểm chế biến gạo, rất nhiều nhà máy không có chỗ xử lý trấu nên phải lén đổ xuống sông, nhưng bây giờ trấu là tiền. Từ khoảng năm năm trở lại đây, trấu đã được tận dụng hết rồi. Nhà máy nào không chế biến được củi trấu thì những đơn vị chuyên sản xuất củi trấu đến bao mua hết nguyên năm”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ), cho biết mới đây đơn vị này và Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu rơm sang quốc gia này để làm thức ăn cho bò.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp đã thực sự đầu tư vào lĩnh vực phụ phẩm sau gạo vẫn còn rất ít. Vì sao như vậy?

Ông Tuấn cho rằng, thứ nhất là đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có yếu tố rủi ro, với những lĩnh vực doanh nghiệp còn “mù mờ” về thị trường thì doanh nghiệp càng ngại. Thứ hai, đầu tư vào những lĩnh vực này cần vốn lớn, cho nên không phải doanh nghiệp nào cũng có năng lực để làm.

Trong khi đó, theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành công nghiệp sau gạo nhưng vấn đề là “họ không muốn đầu tư vì thiếu cái nhìn chiến lược và chỉ muốn làm ăn theo kiểu… ăn xổi ở thì”.

Đồng quan điểm, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng doanh nghiệp không làm vì chiến lược của họ chỉ đầu tư tới gạo thôi. “Chỉ khi nào sản phẩm truyền thống bị cạnh tranh mạnh, quy mô tăng doanh số không thể tăng được nữa, thì họ mới thấy cần phát triển những sản phẩm mới. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn “kiếm chác” được từ việc xuất khẩu hàng triệu tấn gạo/năm như hiện nay thì sẽ không có động lực đổi mới”, ông Dũng nhận định.

Làm sao để hiệu quả?

Nhưng ông Dũng cũng cho rằng vấn đề ở đây còn là chính sách. Theo đó, “nếu chính sách phát hiện, hỗ trợ những cái mới đó, nuôi dưỡng những cái mới thì nó ra đời nhanh, giảm thiểu rủi ro và quá trình phát triển của chúng ta sẽ rút ngắn lại”.

Ông Dũng cho biết các nước phát triển giải quyết vấn đề nêu trên bằng giải pháp “vườn ươm công nghệ”. Tuy nhiên, ở nước ta, quy trình xét duyệt để được quyết định cho “ươm tạo” quá chậm chạp và có điểm chưa thật hợp lý. Điều này đồng nghĩa những sáng kiến mới phục vụ cho ngành công nghiệp sau gạo có thể sẽ không phát huy được và muốn thay đổi thì chính sách cho vấn đề này cũng cần phải thay đổi theo.

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Tuấn nói các nước thường chuyên nghiệp hóa ở một khâu nhất định nào đó thôi chứ không sản xuất khép kín từ A-Z. Với ngành lúa gạo, theo ông, doanh nghiệp cũng đừng nghĩ đến việc khép kín toàn bộ chuỗi bởi như vậy chưa chắc đã hiệu quả hơn. “Trước đây, một số anh em thực hiện khép kín từ việc mua lúa, chế biến gạo rồi tự vận chuyển lên TPHCM xuất khẩu, tức họ tự đảm nhận luôn dịch vụ vận chuyển. Trong khi đó, thực tế là doanh nghiệp chuyên về vận chuyển sẽ làm việc này hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn”, ông nói.

Chính vì vậy, theo ông Tuấn, muốn thành công trong thực hiện chuỗi ngành hàng lúa gạo và sau gạo, thì nhất thiết phải có sự liên kết theo hướng phân công mỗi người thực hiện một hoặc một vài công đoạn chuyên sâu, chứ không nên theo hướng doanh nghiệp khép kín toàn bộ.

Cần “công nghiệp phụ trợ” cho chuỗi giá trị lúa gạo

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh, nâng cao sự nhận biết của nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong, ngoài nước; nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo của Việt Nam là cần thiết trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh. Nhưng thương hiệu chỉ là một “công cụ” để tái cấu trúc lại ngành lúa gạo, tự thân nó không thể “giải bài toán kinh tế” của ngành, mà rất cần “trợ lực” bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành. Đã đến lúc cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các ngành “công nghiệp phụ trợ”, hình thành các ngành công nghiệp mới sau gạo thay vì loay hoay chọn giống lúa gì, xây dựng vùng nguyên liệu và sản lượng bao nhiêu để đủ làm thương hiệu. 

Việc chọn “phân khúc thị trường xuất khẩu gạo” để làm thương hiệu là trúng, nhưng chúng ta không nên chỉ tập trung vào việc xuất khẩu gạo, trong khi 90 triệu dân Việt đang ăn gạo và đang còn đó một dư địa lớn từ các ngành “công nghiệp phụ trợ từ chuỗi giá trị lúa gạo” chưa được quan tâm.

Đó có thể là các ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng…), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản…

Thương hiệu gạo Việt Nam sẽ khó thành công, nếu vấn đề “an ninh lương thực” chưa được lý giải một cách thấu đáo. Cần có sự phân biệt giữa người sản xuất lúa cho mục tiêu an ninh lương thực – những chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh lương thực – với người sản xuất lúa gạo thương mại để tránh việc Nhà nước “vắng bóng” hay “việt vị” trong hai mục tiêu này. Cần có thêm chính sách ưu đãi phù hợp để gia tăng lợi ích của người trồng lúa phục vụ cho mục tiêu quan trọng này; bên cạnh việc hoạch định, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp sau gạo, tăng sức hấp dẫn của ngành thương mại lúa gạo.

Một thời gian dài, ta mải mê ở ngôi vị “cường quốc xuất khẩu gạo thô” vốn có rất ít giá trị gia tăng trong khi nhiều quốc gia kém lợi thế hơn đang chọn con đường “sáng tạo” hơn là phát triển các ngành công nghiệp sau gạo. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đàm phán xong… đang mở ra cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức lớn cho Việt Nam. Ngành lúa gạo nước ta cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu. Thương hiệu gạo Việt Nam rất cần trợ lực và sức bật mới từ các ngành “công nghiệp phụ trợ”.  

Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn