Doanh nghiệp Nhật ‘sốc’ vì phí cảng biển Hải Phòng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND của HĐND TP. Hải Phòng ban hành ngày 13/12/2016, mức phí áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là 250.000 đồng/container 20feet, 500.000 đồng/container 40feet và 20.000 đồng/tấn hàng lỏng, rời.

Đối với hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan loại hàng khô thu 2,2 triệu đồng/container 20feet và 4,4 triệu đồng/container 40feet, loại hàng lạnh thu 2,3 triệu đồng/container 20feet và 4,8 triệu đồng/container 40feet… Mức phí này được áp dụng từ ngày 1/1/2017.

Ngay sau khi TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan đến xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về mức thu phí hạ tầng biển của Hải Phòng, trong đó nhấn mạnh đến việc làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý, tính đúng, tính đủ phí doanh nghiệp phải nộp đồng thời đánh giá tác động chính sách liên quan trên bình diện và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) cho biết, trung bình 1 container 40feet, tất cả các loại thuế phí mới hết 2 triệu đồng nhưng chỉ Hải Phòng đã ban hành thu 500.000 đồng/container 40feet là quá cao.

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cho biết, đến ngày 31/12/2016 các doanh nghiệp và Hiệp hội mới được biết về việc triển khai Nghị quyết 148. Chính thời gian gấp gáp đã đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào thế khó khăn vì toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, sản phẩm dịch vụ liên quan cho năm 2017 đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

Hơn nữa, hàng tạm nhập tái xuất sẽ phải chịu phí cao 2 lần tại cảng Hải Phòng và ở cả cửa khẩu đường bộ… Như vậy sẽ khó thu hút được doanh nghiệp cũng như hàng hóa nước ngoài vận chuyển qua Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Đào Huy Giám cũng bày tỏ sự lo ngại, doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn Thái Lan làm địa điểm trung chuyển hàng hóa cần tạm nhập tái xuất ở khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế của cảng biển Việt Nam.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng Thư ký VPSF cho biết, Hải Phòng dự kiến thu 1.500 tỷ đồng/năm nhưng theo tính toán của các bộ ngành cho thấy, nếu thu phí theo Nghị quyết mới này, mỗi năm Hải Phòng sẽ thu 2.300 tỷ đồng và khoảng 12 triệu USD/năm phát sinh cho chi phí gửi lưu kho, bến bãi, thời gian làm thủ tục. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ giảm số tiền đóng thuế cho Nhà nước khoảng 20% tổng chi phí (từ 300-500 tỷ đồng).

Liên quan đến vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề nghị cân nhắc, xem xét những tác động của Nghị quyết 148, các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình về căn cứ đưa ra các mức phí trên,  trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động. Nếu không giải trình hợp lý, đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148, phía VCCI đề nghị kéo dãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 6 tháng để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ đã có cáo báo gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Quan điểm của Bộ GTVT cho rằng cần phải xem xét việc, công trình hạ tầng cảng biển đó do Hải Phòng bỏ vốn đầu tư xây dựng hay do Nhà nước xây dựng và việc xây dựng đó chiếm bao nhiêu % hạ tầng, căn cứ vào đó để định mức thu phí.

“Nếu hạ tầng đó do thành phố Hải Phòng đầu tư thì địa phương này hoàn toàn có quyền được thu phí”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết.

Phan Trang

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Doanh-nghiep-Nhat-soc-vi-phi-cang-bien-Hai-Phong/298600.vgp