Doanh nghiệp nhỏ – những người bên lề
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ở Việt Nam, các DNNVV đang đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hàng năm và quan trọng là đang tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam. Vai trò của khu vực này trong đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo là đặc biệt quan trọng.

Nhỏ, đóng kín và kém hiệu quả

Tương đồng với con số của Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra 8.335 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của PCI 2015 cho thấy có 97,3% doanh nghiệp là DNNVV theo tiêu chí phân loại của Nghị định 56/2009/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển DNNVV.

Đáng lưu ý, các DNNVV đăng ký chính thức phần lớn đi lên từ mô hình sản xuất hộ gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì họ thành lập doanh nghiệp. Khảo sát cho thấy có tới 77% các doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đối với nhóm doanh nghiệp quy mô vừa, số doanh nghiệp trước đó từng là hộ kinh doanh cũng chiếm tới 55%.

Mức độ phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không. Qua đó, các doanh nghiệp vừa hưởng lợi được từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài vừa tiếp cận với thị trường thế giới, từ đó tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, sau gần 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa.

Điều này thể hiện rõ qua kết quả điều tra về nhóm khách hàng chính của doanh nghiệp trong PCI 2015. Theo đó, chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng ở thị trường nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân lớn nội địa cũng chỉ vươn ra thị trường nước ngoài ở một tỷ lệ tương đối khiêm tốn (24%).

Các DNNVV cũng mới chỉ tham gia tương đối hạn chế vào các liên kết trong chuỗi sản xuất với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ. PCI 2015 cho thấy chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI; tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù cao hơn, song cũng chỉ ở mức lần lượt 7% và 11%.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV không mấy sáng sủa. Tỷ lệ các DNNVV gặp thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa đã thua lỗ trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng chung cảnh ngộ này.

Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng là một nguyên nhân quan trọng khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.

Mức độ lạc quan của các DNNVV về triển vọng kinh doanh trong tương lai thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp quy mô lớn. Chỉ có 43% doanh nghiệp siêu nhỏ, 54% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, con số này đều là 66%. Đáng lưu ý, có tới 8% doanh nghiệp siêu nhỏ và 6% doanh nghiệp nhỏ trong diện điều tra cho biết sẽ giảm quy mô hoặc đóng cửa doanh nghiệp trong khi nhóm quy mô vừa và lớn chỉ có khoảng 2% phải cân nhắc tới lựa chọn này.

Bên lề chính sách

Kết quả điều tra cho thấy rõ là các DNNVV chưa có nhiều thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, cập nhật thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.

Cụ thể, 87% DNNVV có đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh (hầu hết từ tài sản của chủ doanh nghiệp) song chỉ một nửa trong số này có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ 22% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 29% doanh nghiệp quy mô vừa đánh giá mức độ ổn định của mặt bằng kinh doanh là cao hoặc rất cao, tỷ lệ này của các doanh nghiệp quy mô lớn là 31%.

Tỷ lệ các DNNVV có đất nằm trong các khu hoặc cụm công nghiệp rất thấp. Chưa tới 3% doanh nghiệp siêu nhỏ và 8% doanh nghiệp nhỏ có đất nằm trong các khu, cụm công nghiệp. Với các doanh nghiệp quy mô vừa, con số này là gần 19%. Các con số này đều thấp hơn so với con số 35% của các doanh nghiệp quy mô lớn. Đáng lưu ý rằng hầu như các chính sách, nguồn lực ưu đãi của Nhà nước về đất đai tập trung vào việc xây dựng và hình thành các khu, cụm công nghiệp, nhưng thường những DNNVV không có điều kiện để tiếp cận những nơi này vì rào cản về điều kiện (như diện tích đất tối thiểu), chi phí (phí thuê cao, trả một lần, phí thường kỳ cao…), khoảng cách tới thị trường không phù hợp…

Các DNNVV cũng không hề dễ dàng có được các thông tin về quy hoạch, chính sách, pháp luật tại các địa phương. Khoảng 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin về quy hoạch và chính sách, pháp luật tại các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, 54% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cho biết “thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”. Khoảng 65% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên.

DNNVV cũng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ 20-30% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng các dịch vụ này. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp lớn. Như vậy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua các dịch vụ hỗ trợ cũng không đến được là bao với các DNNVV. Ngoài ra, chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của các cơ quan trung ương và địa phương, thấp hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn (77%).

Doanh nghiệp tư nhân “ngại lớn”

“Khôn xây trại, dại xây nhà” là một tâm lý đáng lo ngại của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Họ ngại làm lớn, ngại tăng quy mô bài bản, không chỉ vì trở ngại từ năng lực quản lý, hay tâm lý tự bằng lòng mà còn vì lo ngại về rủi ro và sự nhũng nhiễu. Hai cuộc điều tra về thủ tục hành chính thuế và hải quan mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong năm 2015 vừa qua cho thấy một tín hiệu đáng ngại là doanh nghiệp càng lớn thì nguy cơ các đoàn thanh tra, kiểm tra đến thăm viếng càng nhiều, càng dễ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều tra 8.335 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trong PCI 2015 một lần nữa củng cố nhận định này. Nếu như các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm, thì với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng ba cuộc. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn đồng ý với nhận định rằng thủ tục giấy tờ đơn giản là 38%, thấp hơn nhiều so với đánh giá của doanh nghiệp nhỏ.

Các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, và thanh toán qua kho bạc đều là những lĩnh vực mà tỷ lệ doanh nghiệp thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Nói cách khác, chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng là một nguyên nhân quan trọng khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online