Doanh nghiệp nhọc nhằn thu hồi nợ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kinh tế khó khăn, bán được hàng, bảo đảm doanh thu và kế hoạch đề ra đã vất vả, nhưng làm sao hiện thực hóa doanh thu đó, mang tiền về “két sắt” của công ty còn khó hơn.

Chủ nợ trở thành… con nợ

Ông Ngọc, một đầu nậu chuyên cung cấp tôm cho các xí nghiệp chế biến hải sản ở KCN Vĩnh Lộc cho biết, làm nghề này mấy chục năm, nhưng lần nào đi thu tiền cũng nản, cũng buồn. Chẳng hạn, cung cấp tôm cho một công ty cả mùa, tính ra đến 5-7 tỷ đồng, nhưng đến khi thu tiền gọi điện thoại nhắc tổng giám đốc công ty thì được trả lời: “Tôi đã ký phiếu chuyển, anh cứ làm việc với bộ phận kế toán”. Điện thoại vào số máy kế toán trưởng thì ò í e, biết ngay là họ đang “lờ lớ lơ” mình. Những lúc như vậy, tôi phải đến ngồi… đọc báo bên bàn làm việc của giám đốc tài chính công ty của khách hàng mà phải chọn vị trí “độc” để mỗi khi đi ra, đi vào thậm chí đi toilet vị này cũng phải đi ngang qua mình. Mặc kệ họ nói gì, đá thúng đụng nia ra sao tôi cũng giả lơ như không biết, cứ cầm tờ báo đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược từ sáng đến chiều… chừng vài ngày, vị này chịu không nổi phải thanh toán một phần hợp đồng. Hợp đồng mấy tỷ bạc, nhưng họ trả cho mình nhỏ giọt có 100-200 triệu đồng, còn nói một câu gọn lỏn là “anh thông cảm lấy trước bấy nhiêu, khoản còn lại sẽ chuyển khoản sau”! Nghe là nổi nóng, nhưng cũng phải ráng nhe răng cười cảm ơn, có khi còn phải quà cáp. Mình là chủ nợ mà cứ như con nợ. Đi đòi nợ mà phải thật ngọt ngào nhỏ nhẹ, còn bị hắt hủi ghẻ lạnh, ông Ngọc ngán ngẩm nói.

Cũng như ông Ngọc, không giấu vẻ bức xúc, anh Ba – chủ một cơ sở chuyên cung cấp nông sản cho các công ty nói: “Bán hàng cho công ty cực một (vì công ty đánh giá chất lượng, nếu hàng không đạt thì trả lại cả lô, yêu cầu giấy tờ nguồn gốc rõ ràng…), nhưng lúc thu hồi nợ còn cực và bực dọc gấp 3-4 lần. Điện thoại cho kế toán công ty khách hàng để đòi nợ, lúc thì không bắt máy, lúc bận họp, lúc lại viện lý do sếp đi công tác không có người ký phiếu chuyển… Phổ biến nhất là họ đổ thừa vào… ngân hàng vì đã làm thủ tục chuyển tiền, nhưng ngân hàng chưa chuyển(?!) Có khi mình lặn lội từ Đồng Nai lên Sài Gòn đòi nợ, bỏ tiền mời ban giám đốc công ty đi nhậu để “tranh thủ”, nhưng cuối cùng chỉ nhận được một câu gọn lỏn: “đã chuyển tiền, chịu khó chờ thêm vài ngày”. Nhưng phần nhiều, lời hứa vài ngày đó sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu mình không tích cực nhắc nhở, thậm chí làm căng”.

Kiên trì đòi nợ

Không chỉ doanh nghiệp bị làm khó dễ khi thu hồi nợ mà các ngân hàng cũng đau đầu với các khoản nợ xấu, nợ khó đòi. Nhân viên tín dụng khi hướng dẫn khách hàng làm thủ tục vay vốn thường được khách hàng săn đón niềm nở, nhưng khi đi nhắc nợ cũng phải hứng chịu những cái nhìn thờ ơ, khó chịu, thậm chí là dọa dẫm từ khách hàng. Anh Phúc, nhân viên tín dụng của ngân hàng S. cho hay: năm vừa rồi, khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, anh được sếp giao đi “nhắc” nợ một khách hàng thuộc diện nợ xấu. Nhìn mặt anh còn “búng ra sữa” nên không đợi anh nói dứt câu, giám đốc của doanh nghiệp này đã lớn giọng: “Tôi không biết cậu là ai cả. Tôi rất thân với anh A., giám đốc chi nhánh nơi cậu làm việc, nên có vấn đề gì tôi sẽ trực tiếp làm việc với sếp cậu. Giờ tôi phải họp giao ban nội bộ…”. Mất cả tuần chầu chực trước cửa phòng của ông giám đốc này, cuối cùng anh Phúc mới nhận được một chữ ký xác nhận… sẽ thanh toán hợp đồng trong thời hạn 15 ngày!

Tình trạng chậm nợ, nợ kéo dài, không dứt điểm

trong mùa làm ăn cuối năm sẽ diễn ra nhiều hơn. Do vậy, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải dự trù tình huống này và phải có nhiều biện pháp hơn để các bộ phận liên quan tích cực thu nợ.

Theo anh Hải, Phó Tổng giám đốc một công ty thực phẩm, để thu hồi được nợ đúng hạn mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ trong thời buổi hiện tại là một việc vô cùng khó. Thường thì các doanh nghiệp đều có một số đối tác lớn, ổn định và chính những “mối” này hay vi phạm thời hạn thanh toán hợp đồng nhất. Có nhiều khi đã quá hạn 45 ngày thanh toán theo hợp đồng, đích thân anh Hải gọi điện thoại nhắc nhở, nhưng ông giám đốc công ty đối tác nói tỉnh rụi: “Tiền anh mang về cất trong két sắt cũng vậy, thôi thì để cho tụi tui xoay thêm vài ngày rồi gửi anh chút lãi suất”. Nói miệng với nhau là như thế, nhưng có khi họ “ngâm” tiền của công ty mình cả tuần, mười ngày sau mới trả mà không có đồng lãi suất nào, coi như hỗ trợ qua lại trong lúc khó khăn. Một số trường hợp ngọt nhạt đủ cả, nhưng họ viện đủ lý do để từ chối, thậm chí không thèm nghe máy. Những lúc như vậy, buộc lòng mình phải sử dụng biện pháp mạnh là tạm thời ngưng cung cấp hàng. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp làm đủ mọi cách, nhưng “con nợ” vẫn bình chân như vại, buộc doanh nghiệp phải nhờ đến các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, do chi phí cao (thường khoảng 20-35% giá trị hợp đồng) và đôi khi hình thức đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” không đúng luật nên “bí” lắm doanh nghiệp mới tìm đến dịch vụ này.

Kiện ra tòa chỉ là giải pháp cuối cùng doanh nghiệp dùng đến bởi rất mất thời gian, tốn kém chi phí thuê luật sư, chuẩn bị hồ sơ mà chưa chắc vụ việc có kết quả tốt.

Không phải bây giờ chuyện đòi nợ mới làm đau đầu bộ phận tài chính kế toán của doanh nghiệp. Một chủ doanh nghiệp cho biết, từ tháng 6/2011, ông đã thông báo cho toàn công ty mỗi tháng áp dụng trích thưởng từ 500.000-50.000.000 đồng cho bộ phận kế toán nếu thu hồi nợ đúng hạn. Biện pháp này chỉ là tình thế, nhưng rõ ràng cũng giúp được các nhân viên “giảm bớt căng thẳng”, tích cực trong việc thu hồi công nợ hơn.   Bài: Như Ý Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp