Doanh nghiệp nông sản đồng loạt kêu khổ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những lời “kêu cứu” trên đã được chuyển tới hai vị Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện ngành thuế tại Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản vừa diễn ra.

Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay ngành sản xuất cao su đang gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu do bị cạnh tranh mạnh từ nhiều nước xuất khẩu khác, do tồn trữ quá nhiều và giá cao su thế giới đang trong chu kỳ giảm. Tuy nhiên, một khó khăn nội tại khác mới thực sự khiến các DN này rơi vào tình trạng “khó chồng khó” lại xuất phát từ chính việc bị áp thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm cao su sơ chế.

“Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc vì ngành sản xuất cao su vốn là một trong những ngành nông sản đang trong giai đoạn khó khăn nhất, nhưng lại bị đối xử thiếu công bằng. Trong khi các mặt hàng nông sản khác được áp mức thuế xuất khẩu 0%, thì các DN cao su chúng tôi vẫn phải chịu mức thuế xuất khẩu 1% đối với một số sản phẩm cao su sơ chế”, bà Hoa nói và cho biết thêm, với việc bị áp mức thuế xuất khẩu như trên, một số chủng loại cao su của Việt Nam đang bị mất cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác.

Không chỉ có vậy, việc áp thuế đã gây ảnh hưởng đến chiến lược đa dạng hóa sản phẩm mà Hiệp hội đã khuyến cáo các DN để tìm thị trường xuất khẩu do các DN giảm mạnh sản xuất các chủng loại cao su bị áp thuế xuất khẩu. “Có thể thấy, các mặt hàng bị áp thuế gần đây có kim ngạch sụt giảm mạnh nhất. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu, nên lại càng gây khó cho đầu ra của ngành cao su. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét, trong giai đoạn khó khăn này đưa thuế xuất khẩu đối với tất cả các sản phẩm cao su về 0% giống như các mặt hàng nông sản khác”, bà Hoa kiến nghị.

Bên cạnh bị áp thuế xuất khẩu, việc không được đưa vào danh mục đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng cũng đang gây ra bức xúc rất lớn từ phía các DN ngành này. Xuất phát từ việc Bộ Tài chính gần đây có văn bản hướng dẫn loại trừ ngành cao su sơ chế ra khỏi đối tượng được hoàn thuế gia tăng, bà Hoa cho rằng, sự đối xử bất bình đẳng này đang khiến cả người trồng lẫn các DN ngành cao su rơi vào tình thế hết sức khó khăn.

“Ngành cao su hiện đang khó khăn về thị trường xuất khẩu, đồng thời lại bị rớt giá rất mạnh, đây cũng lại là mặt hàng chịu khá nhiều rủi ro ảnh hưởng trực tiếp đến cả người trồng cao su và DN chế biến xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị được áp dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng như các loại hàng nông sản khác để có vốn cho DN duy trì sản xuất và trả cho người trồng vốn đã phải bị nợ đọng tiền từ lâu nay”, đại diện Hiệp hội Cao su khẩn thiết bày tỏ.

Cùng chung nỗi bức xúc về thuế giá trị gia tăng, song các DN thuộc Hiệp hội Cà phê, Hiệp hội Tiêu lại gặp khốn đốn do không biết đến bao giờ mới được hoàn thuế. Theo đại diện Hiệp hội Tiêu, hiện nay có một tình trạng chung là các DN nông sản đang phải mòn mỏi chờ đợi mà không biết đến bao giờ mới được giải quyết hoàn lại khoản thuế giá trị gia tăng mà họ đã phải bỏ vốn ứng trước khi làm thủ tục xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản.

Điều này xuất phát từ một thực tế là một số DN làm ăn không chân chính đã lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc cho phép DN không phải nộp thuế giá trị gia tăng trong vòng 6 tháng theo một thông tư hướng dẫn cuối năm ngoái của Bộ Tài chính để gian lận kê khai thuế. Để xử lý tình trạng này, theo phản ánh của đại diện Hiệp hội Tiêu và Hiệp hội Cà phê, cục thuế các địa phương đã quyết định giữ lại hết tiền thuế của các DN xuất khẩu nông sản, đồng thời chuyển một số vụ việc sang cơ quan công an để điều tra.

“Vấn đề là ở chỗ cục thuế tại các địa phương coi các DN xuất khẩu nông sản đều nằm trong diện nghi ngờ gian lận kê khai thuế giá trị gia tăng, trong khi các vụ việc nghi ngờ gian lận kê khai thuế khi chuyển sang công an lại giậm chân tại chỗ do cơ quan công an cho rằng giấy tờ chứng từ hợp lệ nên không có gì mà xử. Tình trạng cứ thế giằng co qua lại mãi như vậy nên chúng tôi cũng không biết đằng nào mà lần”, đại diện Hiệp hội Tiêu trần tình và cho biết, hiện nay còn rất nhiều DN xuất khẩu cà phê và hạt tiêu vẫn bị giữ lại tiền thuế mà không biết đến bao giờ mới được hoàn lại. Theo vị đại diện này, các DN đã hết sức mệt mỏi và thậm chí một số trong đó cảm thấy mất lòng tin khi cơ quan thuế và Bộ Tài chính không có giải pháp hướng dẫn giải quyết kịp thời.  

Hiếu Minh
http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/doanh-nghiep-nong-san-dong-loat-keu-kho-96934.html