Doanh nghiệp nội có nguy cơ bị thâu tóm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, hiện có không ít DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc ráo riết lùng mua lại DN Việt Nam.

“Vừa qua, có một số DN Trung Quốc tới gặp Hội để nhờ giới thiệu mua lại DN thành viên. Thấy tôi lưỡng lự, họ nói sẽ có hoa hồng riêng cho tôi”, bà Hạnh buồn bã nói và cho biết, nhiều chủ DN tâm sự với bà rằng, việc sản xuất – kinh doanh quá khó khăn, không lẽ để DN “chết” lâm sàng, nên có thể đành phải chấp nhận phương án cuối cùng là bán lại cho DN ngoại.

Vấn đề là, sau khi DN được bán cho đối tác nước ngoài, thì sau này tên sản phẩm có thể vẫn là của DN Việt Nam, nhưng chủ DN là người nước ngoài. “Đây là sự chuyển đổi không lấy gì làm vui”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TP.HCM cũng cho biết, nhiều DN nước ngoài đang nhân cơ hội DN Việt Nam bị đình đốn sẵn sàng tung tiền ra mua lại các tài sản rẻ của DN. “Có nguy cơ nhiều sản phẩm cà phê, bánh kẹo, vật dụng hàng ngày… đều dần dần bị ngoại hóa”, ông Ngân cảnh báo.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit nhận xét, DN ngoại cần nhất ở DN Việt Nam là thương hiệu; thương hiệu càng mạnh thì họ càng thích mua. Tuy nhiên, ông Viên cảnh báo rằng, cả DN lẫn cơ quan quản lý Nhà nước cần hết sức cẩn trọng trong vấn đề này.

“Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu những DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà cũng bị bán đi thì sau này còn lại gì nữa?”, ông Viên lo lắng và cho biết, với Vinamit thì một số tập đoàn Trung Quốc chưa dám đặt vấn đề mua lại, vì họ biết chắc là Vinamit sẽ không được bán với bất kỳ giá nào.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, một trong những nguyên nhân khiến DN iệt Nam ngày càng suy yếu so với DN ngoại, dẫn tới nguy cơ bị thâu tóm, là do môi trường cạnh tranh giữa DN Việt với DN ngoại chưa bình đẳng.

Ông Thái cho rằng, các DN Việt Nam đang gặp rất khó khăn trong tiếp cận vốn, ngay như Thép Việt thuộc diện ưu đãi mà vẫn phải vay vốn dài hạn, với lãi suất 13%/năm. “Vì thế, lợi nhuận của Thép Việt rất thấp, trong khi đó một số DN ngoại lại tìm cách trốn được thuế, như thực hiện việc chuyển giá chẳng hạn”, ông Thái nói và đề nghị, nên có cuộc khảo sát về những DN gặp khó khăn để có biện pháp giúp đỡ tháo gỡ, tránh trở thành “mồi ngon” cho doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Thanh Vũ
Nguồn: Báo Đầu tư điện tử