Doanh nghiệp phải tự cứu mình trước lạm phát
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chấp nhận mặt bằng giá mới, nhưng cần sự ổn định

Theo TS. Lê Đăng Doanh, giá xăng tăng sẽ khiến tất cả mọi hàng hóa, dịch vụ đều tăng và để bù đắp vào mức sống, chắc chắn sắp tới đây sẽ có mức điều chỉnh tiền công, tiền lương. Tăng tiền công, tiền lương lại tác động đến chi tiêu và lạm phát như vậy sẽ tiếp tục quay lại một vòng, có khả năng sau 3 tháng sẽ tác động vào chỉ số giá cả. 

TS. Doanh cũng nhận định,  nếu chỉ số giá cả tăng thêm 1,4 – 1,5%, thị trường sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới.

“Tạo ra mặt bằng giá mới không đáng ngại, mà đáng ngại là mặt bằng này có ổn định hay không”, ông nói. “Ổn định hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu nằm ở khả năng điều hành nền kinh tế của Chính phủ có đúng hướng, chống lạm phát có hiệu quả hay không, kể cả phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế thế giới”.

Trước mắt, lời khuyên của ông dành cho các DN là tiết kiệm và tái cơ cấu lại sản xuất. Theo ông, trong tình hình này, trước hết DN phải tự lo, không trông chờ. Vì với tình hình tín dụng như hiện nay, khả năng tăng trưởng sản xuất là khó có thể. “Nếu không có nỗ lực của DN, cuối năm nay có khả năng sản xuất sẽ đình đốn” – ông dự báo.

Hướng vào hiệp hội

Tiết kiệm chi phí trong sản xuất là nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý nêu ra trong Hội nghị. Tuy nhiên trong thực tế, DN đã tiết kiệm nhiều theo nhịp độ tăng giá và lạm phát thời gian qua. Nên đến nay khả năng tiết kiệm đã gần đến mức tối đa.

Chính vì vậy, chuyên gia Lê Đăng Doanh khuyên DN tái cơ cấu lại sản xuất. Còn ông Phạm Hải Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng trong thời gian chờ các giải pháp tiếp theo của Chính phủ, trước mắt DN vẫn phải nỗ lực, và huy động các nguồn lực hỗ trợ khác, trong đó có hiệp hội.

Chẳng hạn về vốn, có những hiệp hội có khoản huy động khá lớn nhưng không biết làm gì, đem gửi ngân hàng. Có hiệp hội có vài trăm triệu, vài tỷ, cá biệt có hiệp hội như Hiệp hội Doanh nghiệp quận Phú Nhuận huy động đến 40 tỷ, Hiệp hội Chế biến gỗ cũng hàng chục tỷ…

Các hiệp hội không có chuyên môn ngân hàng, không biết thẩm định, nên không dám cho vay, đem gửi ngân hàng, trong khi đó DN quá khó khăn khi vay ngân hàng, “đó là sự lãng phí vô lý” – vị cán bộ hiệp hội này nói.

Một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.HCM cho rằng, hiệp hội là một kênh để DN hướng tới nhằm tìm kiếm sự trợ giúp, từ vốn đến các kiến nghị tháo gỡ giải pháp về mặt cơ chế. Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn nhận định, lâu nay hiệp hội chưa hỗ trợ DN được nhiều.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet