Doanh nghiệp “tẩy chay” ăn cắp bản quyền
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Xách ba lô lên… và in sách lậu

Cuốn sách đang “hot” trong giới trẻ: “Xách ba lên và đi” của  Huyền Chip –  cô gái đến từ Nam Định – viết lên từ cuộc hành trình thú vị của mình qua 25 quốc gia với 700 USD.  Nhà sách Quảng Văn cho biết  in 5.000 cuốn và đã bán hết veo, Nhưng sách lậu đang tung hoành trên thị trường, khiến những người làm sách bất lực.

“Sách lậu gây thất thu tới 30 đến 50 % doanh thu của chúng tôi”- ông Trịnh Minh Tuấn – Giám đốc công ty cổ phần truyền thông Quảng Văn cho biết.

Chuyện sách lậu, vi phạm bản quyền là câu chuyện “thường ngày ở huyện” tại Việt Nam.

Ông Tuấn cho than trời, chỉ sau mười ngày phát hành, trên thị trường Hà Nội đã tràn lan sách lậu của cuốn “Xách ba lô lên và đi”, với kích thước nhỏ hơn, in giấy xấu hơn, không có phụ lục ảnh màu…. Nét chữ in không rõ, căn chỉnh không cân đối, nhiều trang có chữ mờ, tỏ không đồng đều, có nhiều vết chấm mực.

“Bên công ty đã cảnh báo cho người đọc trên mạng, nhưng thực sự rất khó kiểm soát được vấn đề này, vì nhiều người đọc không để ý tới sách lậu hay sách thật, mà họ chỉ cần có cuốn sách là được” – ông Tuấn nói. 

 Nhiều cơ sở in sách lậu đã bị bắt, nhưng một năm các cơ quan chức năng chỉ làm vài vụ “điểm”, còn ai có nhu cầu mua sách lậu chỉ cần ra Phạm Văn Đồng, đường Láng hay lên Đinh Lễ là dễ dàng tậu ngay một cuốn giảm giá từ 30 đến 50%. Như cuốn “Xách ba lên và đi”,  có giá bìa 99.000 đồng, nhưng sách lậu in chỉ hết khoảng 15.000 đồng, chiết khấu cho người mua 40%. Đây là loại sách mà nhiều xưởng xin lậu tải hình ảnh sách trên mạng và dùng máy photocopy để in sách, và thế là có cuốn sách như sách thật.

“Với sách lậu thì chúng tôi đã kêu nhiều rồi nhưng quá bất lực” – ông Tuấn bày tỏ.

Bài học của Zing

Zing vừa khi bị Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo vì  website này cho tải nhiều bài hát trong nước và quốc tế không có bản quyền. Là website được truy cập nhiều thứ 6 tại Việt Nam, sự cố mất “khách sộp” của Zing là lời cảnh tỉnh về ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam.

Bình luận về việc Zing đi ngược với cam kết là tôn trọng bản quyền tác giả, người phát ngôn của Coca-cola Việt Nam cho biết: “Đứng trước những quan ngại đó, Coca-Cola quyết định rút quảng cáo của mình khỏi trang web này”.

Còn trong một thông báo của mình, Samsung cho biết: “Chúng tôi rất tôn trọng bản quyền và phản đối bất cứ sự vi phạm nào, như sao chép và phân phối các tài liệu đã đăng ký bản quyền”.

Khi mà chính những người sáng tạo bất lực vì tình trạng ăn cắp bản quyền, thì hành động đứng đắn và kịp thời của những nhà bảo trợ đã góp phần nâng cao ý thức tôn trọng quyền sáng tạo của tác giả. Đó là một hành động đáng khuyến khích, nêu gương để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chung tay xóa bỏ việc tải lậu miễn phí .  Ngay sau khi bị Cocacola và Sámsung rút quảng cáo, Zing đã nỗ lực đạt thỏa thuận bản quyền âm nhạc quốc tế với Universal Music, như một động thái bù đắp lại hình ảnh của mình sau khi bị mang tiếng là “kẻ ăn cắp kinh khủng nhất thế giới”.

Sẽ còn nhiều sự đồng thuận của cộng đồng trong cuộc chiến với tình trạng ăn cắp bản quyền, nhưng với những nỗ lực ban đầu từ cộng đồng doanh nghiệp, cuộc chiến chống lại việc ăn cắp bản quyền tác giả đã có phần khởi sắc. Đó là tin vui với những người sáng tạo trong nước và trên thế giới.

Trường Lưu
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam