Doanh nghiệp “thúc” điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gạo cấp thấp rớt thảm, gạo cấp cao được giá lại thiếu hàng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau gần hai tuần thu mua tạm trữ gạo, giá lúa gạo thu mua đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, hiện giá lúa gạo thu mua tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa cải thiện đáng kể, mặc dù giá lúa đã tăng 200 đồng/kg, giá gạo tăng 100 – 150 đồng so với thời điểm trước tạm trữ (trước ngày 15/3).

Cụ thể, tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp (những địa phương đang vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2011 – 2012) giá lúa tươi đang được thương lái thu mua dao động từ 4.200 – 5.200 đồng/kg, lúa sấy khô dao động từ 5.200 – 6.300 đồng/kg; giá gạo cấp thấp dao động từ 6.800 – 7.700 đồng/kg, cấp cao dao động từ 8.200 – 9.300 đồng/kg. Điều đáng chú ý là giá thu mua lúa gạo hiện chưa có dấu hiệu tăng tiếp. Nếu giữ ở mức giá này, nông dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bởi mức giá hiện tại còn thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2011.

Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam 3 tháng đầu năm diễn ra khá èo uột, trong khi gạo cấp thấp tụt giá đến chóng mặt, gạo thơm được giá nhưng lại thiếu hàng, người nông dân vì vậy khó lòng mà có thể thu lãi 30% từ cây lúa như đã được cam kết.

Mặc dù áp lực cạnh tranh từ nhà xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan đã giảm, do chính sách đảm bảo giá mua cao cho nông dân của nước này, tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với các đối thủ xuất khẩu gạo chất lượng trung bình khác là Ấn Độ, Myanmar và Pakistan. Hiện giá gạo của Việt Nam đang cao hơn các nước này.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2012 giảm tới hơn 42% chứ không phải giảm 32% như số liệu trước đó của Bộ NN&PTNT. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 1,1 triệu tấn, giảm 42,5% về lượng và 42,5% về giá trị. Lý giải về giá gạo bị tụt giá, ông Phong cho rằng, “chìa khóa” nằm ở chủng loại gạo, thị trường cần một đằng nhưng người trồng sản xuất một nẻo.

Theo lời vị này, hiện nay Việt Nam còn hơn 1,2 triệu tấn gạo xuất khẩu theo hợp đồng, tuy nhiên, phần lớn đơn đặt hàng này là do những hợp đồng từ cuối năm 2011 chuyển sang và thời gian đáo hạn xuất kéo dài đến gần hết quý III/2012.

Cuối năm 2011 vừa qua, có thời điểm giá gạo của Việt Nam cao hơn giá gạo của Ấn Độ tới hơn 100 USD/tấn. Chất lượng gạo của Việt Nam so với các nước không hơn bao nhiêu, nếu không nói là kém hơn ở một số chủng loại. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của chúng ta thường cao hơn các nước. Do đó, theo các chuyên gia, để giữ giá gạo xuất khẩu, không còn cách nào khác, Việt Nam phải tăng cường sản xuất gạo cấp cao, hạn chế gạo cấp thấp.

Sẽ điều hành giá sàn xuất khẩu gạo theo hướng linh động

Trước thực trạng một số đơn vị nhỏ lẻ có thể sẽ bán tống bán tháo với giá rẻ để trả nợ làm ảnh hưởng đến cả ngành, nhiều DN đang đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, dù liên Bộ Công thương và Nông nghiệp vẫn đang điều hành theo giá sàn đã được đưa ra trước đó, tuy nhiên, trước vấn đề sụt giảm sản lượng và giá trị xuất khẩu, bài toán thống nhất giá sàn xuất khẩu làm sao vừa đảm bảo cạnh tranh về giá so với các nước vừa giúp đảm bảo ổn định giá thu mua trong nước là giải pháp cấp bách.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành giá sàn xuất khẩu gạo theo hướng linh động nhất, thời điểm nào tăng, thời điểm nào giảm cũng sẽ được tính toán hợp lý.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo, dự trữ gạo sẽ tăng 3% lên 100,1 triệu tấn trong năm nay – cao nhất kể từ năm 2003. Khảo sát của Bloomberg trong khi đó cho thấy, giá gạo 100% loại B xuất khẩu của Thái Lan – giá chuẩn cho thị trường thế giới – sẽ giảm khoảng 11% từ mức hiện tại xuống 500 USD/tấn ngay trong nửa đầu năm nay.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam