Doanh nghiệp ‘tố’ bị ép dùng điện giờ cao điểm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mất tiền tỷ

Ông Đào Hữu Huyền, Giám đốc Cty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, cho biết năm ngoái thì bị ngành điện cắt không báo trước gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. “Năm ngoái thiếu điện thì bị ngành điện cắt triền miên, xin thêm KW cũng không được. Còn năm nay đủ điện, Điện lực Lào Cai yêu cầu chúng tôi chạy giờ cao điểm, chạy thêm so với kế hoạch của doanh nghiệp để dùng nhiều điện, chia sẻ với ngành điện. Nhưng giá điện giờ thấp điểm và cao điểm chênh nhau khá lớn. Với công suất tiêu thụ điện rất lớn, chạy như vậy mỗi ngày Cty mất tiền tỷ. Đây là điều vô lý”, ông Huyền nói.

Cũng theo ông Huyền, trong Luật Điện lực đã quy định điện lực phải cung cấp điện cho hộ sử dụng đến chân hàng rào công trình, nhưng thực tế họ nại đủ lý do để không làm. Năm 2010, chúng tôi định kiện Điện lực Lào Cai ra trọng tài kinh tế, nhưng sợ kéo dài nên thôi. Vì Cty đã bỏ ra vài trăm tỷ đồng để đầu tư, nay chỉ vì thiếu một đường dây điện mà tất cả các khâu phải dừng lại để chờ thì gay go, nên lại phải bỏ tiền đầu tư.

Như công trình của nhà máy Phốt pho 1 của Cty, tháng 7 này chúng tôi bắt đầu vào hoạt động nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đường dây điện dự phòng. Cty đề nghị sẽ ứng trước vốn 4 hoặc 5 tỷ đồng để xây dựng đường dây dự phòng, chia sẻ khó khăn về với với điện lực, sau đó họ hoàn lại cho Cty dưới hình thức khác, như trừ vào tiền điện… nhưng cũng không thấy phía điện lực hồi âm.

Lỗ hổng trách nhiệm

Mổ xẻ những bất cập của Luật Điện lực bằng những ví dụ khá rõ ràng, ông Đỗ Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho rằng hiện luật có những điểm khiến cho ngành điện có thể trốn trách nhiệm của mình. Theo quy định của Luật Điện lực, về nghĩa vụ các đơn vị phân phối điện phải thực hiện đầu tư lưới điện, đầu tư công tơ cho bên mua trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc quy định “thỏa thuận khác” là kẽ hở cho ngành điện vin vào đó để từ chối đầu tư. Ở Vĩnh Phúc đã có hiện tượng này.

“Độc quyền thế này khổ lắm. Từ tháng 4 đến nay, ngành điện bắt chúng tôi chạy 2 ngày vào giờ cao điểm mới cho nghỉ 1 ngày, gây thiệt hại tiền tỷ. Chạy giờ cao điểm (giá điện đắt hơn giờ thấp điểm) là không có lời. Hôm vừa rồi tôi đã phải đấu tranh ở Điện lực Lào Cai, bảo thiệt hại này tôi gánh hết cho các ông à? Đã thế đường dây dự phòng, chúng tôi bỏ tiền túi ra đầu tư mất 4 tỷ đồng. Bảo hoàn vốn họ không chịu, bảo bán giá điện rẻ đi họ cũng không”.

Ông Đào Hữu Huyền, Giám đốc Cty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang

Hiện quy hoạch đã được phê duyệt và thực hiện thì lưới trung áp là điện lực phải đầu tư nhưng rất nhiều điểm cần thiết đầu tư thì điện lực từ chối với lý do không có vốn. “Khi bức xúc, cần thiết quá thì tỉnh phải ứng vốn ra làm, nhưng sau đó không thu được vốn. Vừa rồi chúng tôi xây xong bệnh viện nhưng không có điện”- Ông Mai nói.

Cũng theo ông Mai, việc kiểm tra giám sát công tác về điện rất mờ nhạt, khó thực hiện. Luật ra đời có hướng dẫn rồi nhưng không phát huy được tác dụng, bên sử dụng phản ánh nhiều bức xúc, trong khi cơ quan quản lý không xử lý được.

Tù mù đàm phán giá điện

Tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng do Hiệp hội Năng lượng tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), cho biết Vinacomin cũng có hợp tác với EVN trong các dự án điện Hải Phòng 1 và 2, nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2.

Tuy nhiên, những dự án này đều bị kéo dài và chậm tiến độ do việc đàm phán giá với EVN cực kỳ khó khăn. Một số dự án sắp đưa vào vận hành nhưng vẫn chưa đàm phán giá điện xong như Sơn Động, Cẩm Phả. Đối với các trường hợp này, giá điện chỉ là tạm tính. “Bản thân EVN cũng khó vì họ cũng bị khống chế đầu ra nên chúng tôi không trách EVN. Nhưng làm dự án 5-6 năm trời, nhà máy xong rồi mà cơ chế giá vẫn chưa đàm phán xong. Điều này khiến nhà đầu tư nản” – Ông Hùng nói.

Ông Lê Văn Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, cho biết: Tập đoàn có đầu tư thủy điện nhỏ nhưng gặp rất nhiều khó khăn khi đàm phán giá điện với EVN. Cách tính giá điện rất là tù mù do doanh nghiệp chưa có giá đầu ra, nên không tính được đầu vào.

“Năm nay, chúng tôi cực kỳ khó khăn, vừa làm nhà thầu, vừa làm chủ đầu tư. Những công trình nào Tập đoàn làm chủ đầu tư thì vốn khó khăn, còn làm nhà thầu thì mãi không được thanh toán tiền. Như Thủy điện Lai Châu vừa rồi làm 1.200 tỷ nhưng mới được tạm ứng có 200 tỷ đồng. Nếu EVN không tạm ứng vốn thì rất khó do vay ngân hàng với lãi suất trên 20% thì không doanh nghiệp nào chịu nổi. Lời lãi của xây lắp chỉ được vài phần trăm là mừng rú, lâu lâu không nhận được tiền thì lỗ”- Ông nói.

Theo ông Khương, cần sớm giải quyết khung giá điện để các nhà đầu tư trong nước có thể chủ động khâu dự trù kinh phí làm dự án. Cùng với đó cho phép đàm phán hợp đồng mua bán điện trước khi làm dự án vì đến nay có dự án làm xong rồi nhưng đám phán giá vẫn chưa xong.

Nguồn: Báo Tiền phong điện tử