Doanh nghiệp Việt Nam nặng gánh nợ nần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại hội nghị “Căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng 16/8 tại TP HCM, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, thời gian qua, khó khăn của doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng ông cũng thẳng thắn chia sẻ, nếu suy xét kỹ thì phần lỗi của doanh nghiệp không phải là nhỏ.

Theo ông Thành, đó là việc doanh nghiệp lệ thuộc vốn ngân hàng quá nhiều và lạm dụng đòn bẩy tài chính. Những điều trên đã làm cho doanh nghiệp không thể đứng vững khi kinh tế thị trường có những biến động.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 2 của 647 công ty tài chính niêm yết trên hai sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bằng 1,53 – một con số cao hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới (Mỹ năm 2011 chỉ 1,20, Trung Quốc là 1,06). Trong đó, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam bình quân lên tới 1,7 lần. Trong đó, cá biệt Tổng công ty Sông Đà tỷ lệ này lên tới 8,85, Petrolimex 6,29…

“Với tình trạng nợ cao như thế rõ ràng lãi vay ngân hàng đã nhanh chóng chiếm hết lợi nhuận của doanh nghiệp, càng đẩy họ vào mức khó khăn hơn”, ông Thành nói.

Ngoài ra, tín dụng ngân hàng so với GDP của Việt Nam năm 2010 đã lên tới gần 140%, xấp xỉ bằng với Trung Quốc. Thực trạng này cho thấy gánh nặng nợ của bản thân các tổ chức tài chính cũng đang tăng lên. Nguyên nhân là áp lực tăng vốn của ngân hàng khá lớn khi Ngân hàng Nhà nước bắt buộc các nhà băng phải tăng vốn điều lệ lên liên tục. Và khi vốn tăng thì áp lực lợi nhuận buộc phải tăng theo nên các nhà băng phải tăng cường mở rộng tín dụng.

Thành viên HĐQT Công ty chứng khoán Thiên Việt; Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners ông Nguyễn Nam Sơn thì chỉ ra rằng, hầu hết các công ty Việt Nam hiện nay chết vì đa ngành, đầu tư trái ngành, đầu tư cơ hội và không dựa trên các năng lực cốt lõi của mình. Và một thực trạng sẽ diễn ra trong năm nay là công ty muốn tồn tại phải lựa chọn chính ngành và từ bỏ những lĩnh vực trái ngành.

Ồng Sơn cũng nêu lên thực trạng, trong việc kinh doanh đa ngành thì các doanh nghiệp luôn đầu tư vào bất động sản. Nhưng các công ty bất động sản tại Việt Nam thường sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhất châu Á. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty Việt Nam là 120%, so với mức trung bình 45% trong khu vực. Đây là tỷ lệ nợ rất cao và gây ra những rủi ro phá sản nếu thị trường diễn biến xấu. Và hầu hết doanh nghiệp này đều không thể sống sót qua khủng hoảng khi ngân hàng siết chặt cho vay do lo ngại nợ xấu. “Những công ty sống được trong năm 2012 sẽ là những đơn vị có tiềm lực mạnh và có khả năng tiếp cận được vốn quốc tế”, ông nói.

Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra một số nhược điểm của các công ty Việt Nam là thường thiếu chiến lược đầu tư và chiến lược thị trường dài hạn. Đa số doanh nghiệp hiện nay chạy theo thị trường thay vì dẫn dắt thị trường. Kinh doanh theo kiểu hy vọng thị trường sẽ tốt lên thay vì phải hành động trước thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường thiếu thông tin và phân tích dài hạn hoặc thiếu nghiên cứu thị trường.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, đầu tư đa lĩnh vực thực ra có lợi thế về quy mô, nếu làm tốt có thể tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Tuy nhên, song song đó không tránh khỏi những rủi ro.

Ông Thành cũng bày tỏ sự e ngại về cơ cấu vốn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo ông, các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng tới 30% lợi nhuận để tái đầu tư, còn doanh nghiệp Việt Nam gần như rất thấp, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Riêng lĩnh vực trái phiếu, theo ông Thành để xây dựng thị trường này phát triển tốt cần phải kiên trì, nhẫn nại và thời gian thực hiện không dưới 7-10 năm.

Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Thành cho rằng thực tế có thể còn xấu hơn rất nhiều so với những gì chúng ta đang thấy. Nổi cộm là nợ xấu ngân hàng hiện rất cao nhưng lại không có con số đồng nhất, tình trạng sở hữu chéo cũng ngày càng phức tạp,…Với tình hình hiện nay, ông Thành dự báo tín dụng năm nay sẽ tăng không quá 8% và GDP chỉ khoảng 5,1-5,2%.

Nguyên Bộ trưởng thương mại ông Trương Đình Tuyển cũng chia sẻ thêm, tín dụng không ra được nền kinh tế, nguyên nhân một phần do cầu yếu. Ngoài ra, doanh nghiệp có khả năng tìm thương vụ kinh doanh thì nợ xấu lớn nên không tiếp cận được vốn,..

Theo Nguyên Bộ trưởng, vấn đề hiện nay là cần phải giải quyết ngay vấn đề nợ xấu. Ông cho rằng, nợ xấu cần phải được xử lý một cách tập trung, phải có một người đứng ra làm đầu mối chỉ đạo. Còn triển khai thì phải phân chia ra nhiều phương án. Các ngân hàng cũng có thể tự xử lý nợ xấu bằng cách bán nợ hoặc cần thiết thì chúng ta thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia.

Nhưng theo ông Tuyển, công ty này phải tuân theo nguyên tắc là tự huy động vốn và quan trọng là không có ngân hàng thương mại nào tham gia làm thanh viên. Điều này nhằm đưa ra chính sách độc lập, khách quan.

Nguồn: Báo điện tử VnExpress