Doanh nghiệp xe máy FDI chạy đua tăng qui mô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 29/8/2008, Công ty Honda Việt Nam đã khánh thành nhà máy xe máy thứ 2, với sản lượng 500.000 chiếc/năm. Nhà máy mới của Honda, có mức đầu tư 65 triệu USD diện tích 300.000m2, tạo việc làm cho 1.400 nhân công và gồm 6 phân xưởng từ sản xuất động cơ tới lắp ráp.

Nhà máy thứ hai của Honda Việt Nam đi vào hoạt động, với sản phẩm chủ lực là dòng xe tay ga, được hy vọng sẽ giải tỏa bớt sức “nóng” của chiếc Air Blade. Kể từ khi ra mắt tháng tháng 4/2007, chiếc xe tay ga này liên tục không đủ hàng để bán. Dù Honda Việt Nam đưa ra giá 28,5 triệu đồng nhưng trên thực tế khách hàng phải trả thêm 2-3 triệu đồng.

Như vậy cộng với nhà máy thứ nhất có sản lượng 1 triệu xe/năm, tổng công suất của Honda Việt Nam được nâng từ 1 triệu lên 1,5 triệu chiếc/năm.

Không chỉ có Công ty Honda Việt Nam đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe máy, giữa năm 2007, Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã tiến hành  xây dựng nhà máy sản xuất xe gắn máy số 2 tại khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội.

Nhà máy mới của Yamaha Motor Việt Nam có tổng diện tích 15ha, với tổng vốn đầu tư 43 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 10 năm 2008 và khi đi vào hoạt động sẽ nâng công suất sản xuất xe máy lên 1,5 triệu xe/năm (nhà máy hiện nay của Yamaha tại Trung Giã – Sóc Sơn (Hà Nội) có công suất tối đa đạt 700.000 xe.

Công ty Yamaha Motor Việt Nam quyết định mở rộng qui mô sản xuất đầu tư xây dựng thêm nhà máy số 2 cũng nhằm đảm bảo khả năng cung cấp sản phẩm ra thị trường đúng hạn và đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng ngày một tăng.

Như vậy với chỉ với 2 DN kể trên, công suất  sản xuất xe máy đã đạt 3 triệu chiếc/năm, nếu tính cả SYM, Suzuki, Piagio Việt Nam và trên 10 DN xe máy 100% vốn trong nước thì công suất sản xuất xe máy của Việt Nam đạt trên 4 triệu xe/năm.

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2007 cả nước tiêu thụ 3,6 triệu chiếc xe máy, trong đó các DN FDI chiếm 70% thị phần. Dự kiến năm 2008 sẽ tiêu thụ trên 3 triệu chiếc.

Ông Kojji Onishi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho biết,  thị trường xe máy Việt Nam đang phát triển rất tốt. Riêng Công ty Honda Việt Nam cuối tháng 5/2007, đã hoàn thành việc nâng công suất nhà máy sản xuất xe máy lên 1 triệu xe/năm, nhưng công suất này đã tới hạn ngay trong năm 2007. Năm 2007, Honda Việt Nam tiêu thụ trên 1 triệu xe vì vậy phải tiếp tục xây dựng nhà máy xe máy thứ 2 để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của thị trường.

Theo Công ty Yamaha Việt Nam  thì thị trường xe tay ga tại Việt Nam rất tiềm năng. Hiện nay xe tay ga mới chiếm trên 20% thị phần và nó còn phát triển rất mạnh. Xu hướng chuyển sang sử dụng xe tay ga ngày càng tăng. Chỉ tính riêng Yamaha Việt Nam, nếu tháng 1/2007 các loại xe tay ga bán ra chiếm khoảng 20% tổng số xe thì tới tháng 6/2007 đã chiếm tới 30% trong tổng số xe.

Dự báo của Bộ Công thương cho biết, đến 2010, cả nước sẽ có khoảng 25 triệu xe máy lưu hành, đến 2015 khoảng 31 triệu xe và đến 2020 là 35 triệu xe. Tức là trong vòng 12 năm nữa lượng xe máy sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay (20 triệu xe).

Hiện nay, riêng tại 2 thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đạt tỷ lệ bình quân là 2 người có 1 xe máy, các tỉnh  như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… là 3 người có 1 xe máy, còn các địa phương khác là 6 người có một xe máy.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, thị trường xe máy Việt Nam sẽ bão hoà khi nào vùng nông thôn đạt tỷ lệ bình quân 2-3 người/xe. Hiện nay với mức bình quân 6 người/xe thì thị trường khu vực này còn phát triển trong nhiều năm tới. Ngược lại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thị trường xe máy đã chạm điểm bão hoà. Theo số liệu của các DN FDI, trong 8 tháng đầu năm 2008 tiêu thụ xe máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh  đã giảm từ 10%-20% so với cùng kỳ 2007.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet