Doanh nghiệp xuất khẩu bận rộn nhờ đơn hàng về nhiều
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi đã tạo ra “bệ phóng” cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Thị trường tốt lên, đơn hàng về nhiều khiến các doanh nghiệp bận rộn hơn.

Ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020
Ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020

“Liều thuốc” cho tăng trưởng xuất khẩu

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, lũy kế đến hết tháng 3/2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 154,01 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu của Việt Nam trong quý I/2021 đã có sự thay đổi mạnh mẽ, vọt lên mức 2,79 tỷ USD.

Việt Nam đã hoàn thành ký kết 15 FTA ở cấp độ song phương và khu vực (trong đó đang thực thi 14 FTA, đã ký một FTA nhưng chưa có hiệu lực) và đang đàm phán 2 FTA. Trong số 15 FTA đã ký kết, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là FTA có quy mô lớn nhất thế giới trong khuôn khổ các nước thuộc khu vực ASEAN.

Nguồn: Bộ Công thương

Đánh giá về tăng trưởng xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các FTA đã và đang mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã trở thành “liều thuốc” thúc tăng trưởng xuất khẩu, tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Đơn cử, với EVFTA, nếu trong 3 quý đầu năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU chỉ đạt 29,44 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, thì sau 3 tháng thực thi EVFTA, xuất khẩu sang EU đạt khoảng 11,08 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Đến hết năm 2020, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 40,05 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau 3 tháng EVFTA thực thi. Thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với trước khi Hiệp định có hiệu lực. Giá gạo Việt xuất khẩu sang EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Dệt may, da giày có mức tăng khá cả về giá và đơn hàng.

Thị trường tốt lên, đơn hàng về nhiều nhờ các FTA đã khiến các doanh nghiệp bận rộn hơn. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG có mức tăng trưởng doanh thu trong tháng 3/2021 hơn 28% so với cùng kỳ, đạt 326 tỷ đồng, đưa doanh thu quý I đạt 910 tỷ đồng, tăng 18% so quý I/2020.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết, doanh nghiệp này đã có đơn hàng xuất khẩu chi tiết hết tháng 7/2021. Để chuẩn bị cho công tác điều hành sản xuất hàng xuất khẩu, TNG vừa quyết định thành lập Chi nhánh Phát triển gia công có địa chỉ tại TP. Thái Nguyên.

“Chi nhánh này có nhiệm vụ tìm kiếm, phát triển khách hàng, điều phối các đơn hàng đang sản xuất tại TNG nhưng quá năng lực để đưa hàng đi gia công tại các đơn vị trong và ngoài Công ty, từ đó kiểm soát được các rủi ro trong quá trình kinh doanh”, ông Thời cho hay.

Ngành gỗ cũng ngập trong đơn hàng. 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó các sản phẩm gỗ đạt 2,86 tỷ USD, tăng 54,1%. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác nhận, nhiều doanh nghiệp đã đầy đơn hàng xuất khẩu cho đến cuối năm 2021.

Xuất khẩu sang EU ghi nhận sự chuyển biến tích cực, thì với thị trường Anh, UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 đã thúc đẩy xuất khẩu tăng 22% trong quý I/2021, đạt 1,6 tỷ USD.

Tăng tận dụng ưu đãi

Xuất khẩu tăng trưởng nhờ khai thác các FTA phần nào đẩy quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng. Năm 2019, lần đầu tiên quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 517 tỷ USD và đạt trên 545 tỷ USD trong năm 2020, dự báo năm 2021 có thể đạt 600 tỷ USD. Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh từ 176,6 tỷ USD năm 2016 lên 282,7 tỷ USD năm 2020.

Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất của việc tham gia mỗi FTA là mang đến cho các ngành hàng cơ hội ưu đãi thuế quan thông qua việc chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ, thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32-34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Chẳng hạn, EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020, nhưng đã có những tín hiệu tích cực về tận dụng ưu đãi thuế quan. Thống kê cho thấy, tính từ ngày 1/8/2020 đến 4/4/ 2021, hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đã được cấp đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Với CPTPP (có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1/2019), xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP năm 2019 đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và năm 2020 đạt 38,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2018 khi chưa có Hiệp định. Do CPTPP là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, quy định về xuất xứ chặt chẽ trong nhiều ngành hàng, nên ưu đãi thuế quan sau 2 năm thực thi còn khiêm tốn. Tuy nhiên, đây là động lực để các ngành hàng tiếp tục đầu tư đúng trọng điểm, tăng tự chủ nguyên phụ liệu đầu vào để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA.