Doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Không nên “lách luật”…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Áp lực về khan hiếm lương thực

Bất chấp Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo lương thực năm nay tăng 2,6%, nhưng vẫn không ngăn được cơn “bão giá” trên thế giới. Cuối tuần qua, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tổ chức các cuộc họp tại Washington để bàn về giá lương thực và năng lượng tăng cao, cũng như cuộc khủng hoảng tín dụng đang làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu. Người đứng đầu WB – Robert Zoellick – cảnh báo, giá lương thực tăng nhanh có thể đẩy 100 triệu người vào cảnh đói nghèo. Trung tuần tháng 3/2008, FAO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế xây dựng một chiến lược toàn cầu với sự tham gia tập thể và nỗ lực chung của toàn thế giới, đồng thời cũng kêu gọi các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, như Nga, Ukraine, Kazakhstan, tăng sản lượng lương thực trong thời gian tới.

Giá lương thực tăng mạnh do 5 nguyên nhân: Thứ nhất, các nước XK gạo lớn như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Campuchia đã hạn chế XK gạo, khiến cho các nước NK nhiều như Bangladesh, Philippines và Afghanistan đang bị ảnh hưởng mạnh; Thứ hai, mấy năm qua, các nước liên tiếp cắt giảm lượng gạo tồn kho, khiến lượng gạo dự trữ trên toàn thế giới giảm tới 1/2 so với năm 2000; Thứ ba, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến diện tích đất trồng lúa ngày một thu hẹp; Thứ tư, Mỹ và một số nước tăng sản lượng lương thực vào mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học; Thứ năm, thời tiết khắc nghiệt, nạn sâu bệnh… Tất cả những nguyên nhân này đã tác động tới sản lượng lương thực trên thế giới và đẩy giá lương thực tăng cao.

Cố tình “lách luật” để XK gạo thường

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, giá gạo XK của Việt Nam tăng lên khá cao. Giá hợp đồng sau luôn cao hơn hợp đồng trước. Nếu như đầu năm 2008, giá gạo 5% tấm được chào bán theo giá FOB là 355 USD/tấn, đến giữa tháng 2/2008 tăng lên mức 460 USD/tấn. Gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp đồng XK sang Philippines với giá lên đến 750 – 760 USD/tấn. Giá lên như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp XK lại kêu lỗ. đây là một nghịch lý!

Đáng lưu tâm, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực thận trọng trong việc điều hành XK gạo nhằm bình ổn giá lương thực trong nước, đảm bảo an ninh lương thực mà nông dân trồng lúa vẫn có lãi và giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp thì mới đây, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đã phát hiện một số trường hợp các doanh nghiệp XK gạo, thơm, gạo nếp… với giá chỉ bằng gạo thường. Thực chất của việc này là do gạo nếp và gạo thơm không được tính vào chỉ tiêu gạo XK, nên khi Chính phủ quyết định tạm dừng ký hợp đồng XK hồi tháng 3 vừa qua, một số doanh nghiệp đã cố tình “lách luật” điều hành để duy trì XK bằng cách báo cáo xuất gạo thơm và nếp nhưng thực tế là xuất gạo thường.

Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ cung ứng tới 60% lượng gạo XK toàn cầu. Ấn Độ và Việt Nam đều đã áp dụng các biện pháp thắt chặt XK. Đầu năm nay, hạn ngạch XK gạo của Việt Nam dự kiến 4 – 4,5 triệu tấn, sau đó, Bộ Công Thương điều chỉnh xuống còn 3,5 – 4 triệu tấn. Mới đây nhất, hạn ngạch được điều chỉnh lần nữa, thay vì tính bằng năm như mọi khi, nay chỉ tính trong 9 tháng đầu năm với chỉ tiêu 3,2 – 3,5 triệu tấn, do tình hình lạm phát và khủng hoảng gạo trên thế giới. Còn Thái Lan vừa đưa ra con số dự báo về khối lượng gạo XK là 8,75 triệu tấn, ít hơn nhiều con số 9,7 triệu tấn của năm trước. Như vậy, cho thấy an ninh lương thực trên thế giới trong những tháng tiếp theo vẫn còn nan giải. Việc thành lập Hiệp hội các nước XK gạo được cho là một sáng kiến tốt, bảo đảm an ninh luơng thực phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nguồn: Báo điện tử Công thương