Doanh nghiệp xuất khẩu gạo thay đổi để hội nhập
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các doanh nghiệp phải thay đổi khi mốc thời gian thực hiện tự do hóa thương mại trong khu vực ASEAN có hiệu lực bởi thị trường xuất khẩu gạo của nước ta hiện chủ yếu tập trung ở một số nước thuộc khu vực châu Á, trong đó nổi bật nhất là thị trường Indonesia, Philippines. Khi khu vực tự do hóa thương mại ASEAN được hình thành, thay vì phải tiếp cận để ký kết hợp đồng nhập khẩu gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa như hiện tại thì doanh nghiệp nước ngoài có thể tự chủ động vào thị trường nước ta để mua gạo trực tiếp. Bởi vậy, các doanh nghiệp trong nước tự thân buộc phải thay đổi để phù hợp hơn với môi trường hoạt động kinh doanh mới. Bên cạnh đó, một vấn đề đáng chú ý hiện nay đó là các doanh nghiệp trong khối ASEAN rất mạnh về nguồn lực tài chính. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Một số chuyên gia cho rằng, khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ yếu thế hơn bởi chi phí hoạt động thường lớn hơn các doanh nghiệp nội địa. Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo tại nước ta thường vấp phải thất bại do công tác quản lý, điều hành không phù hợp và không thích nghi được với môi trường kinh doanh trong nước. Song khi khu vực ASEAN tiến hành tự do hóa thương mại các sản phẩm nông nghiệp, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo sẽ thực sự trở mình. Và khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước sẽ không được phép chủ quantự bằng lòng với chính mình.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại hoạt động của đơn vị để có thể thích nghi với điều kiện mở cửa của thị trường khu vực ASEAN. Trước hết, cần chú ý đến việc thay đổi phương thức mua, bán lúa gạo để vươn ra tầm thị trường khu vực ASEAN. Bởi tại thời điểm đó, rào cản thuế quan đã được gỡ bỏ, doanh nghiệp có thể mua gạo tại một quốc gia và bán ở thị trường của một quốc gia khác chứ không chỉ thu mua lúa gạo trong nước như hiện tại. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định rằng, doanh nghiệp trong nước sẽ khó tồn tại và có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi nếu không kịp thời tăng cường tiềm lực về tài chính, quan tâm hơn đến việc xây dựng cơ sở vật chất như xây dựng nhà máy xay xát, xây dựng kho chứa và vùng nguyên liệu. Đồng thời, chú trọng hơn nữa vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ và giữ chân được lượng khách hàng ổn định.

Khi hoạt động thương mại được tự do hóa trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp lớn sẽ không gặp phải nhiều trở ngại lớn, mà chủ yếu là khó khăn với doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Để tồn tại khi sức ép cạnh tranh tăng cao, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu lúa và thương hiệu gạo riêng, nhất là cho phân khúc thị trường gạo cao cấp. Các doanh nghiệp nên liên kết với hộ nông dân để công ty vừa có vùng nguyên liệu riêng để xây dựng thương hiệu gạo còn bà con nông dân an tâm sản xuất do có đầu ra ổn định. Và cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân sự, tăng khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, từ đó có thể bắt kịp với xu thế trong giai đoạn hội nhập sắp tới.

Nguyễn Giang
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=287030