Doanh nghiệp xuất khẩu gạo yếu thế tiếp tục “kêu cứu”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hôm qua (9/8) tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tại hội nghị, ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, hiện tại có 211 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo, nhưng chỉ có 47 doanh nghiệp thực sự có năng lực, các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng xuất khẩu tới 87%. Theo ông Phong, hiện có khoảng 80 doanh nghiệp đủ điều kiện để cấp giấy phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 109, trên thực tế 49 doanh nghiệp đã được cấp, trong đó có 9 doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, tỉnh này đã có 11/19 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Là tỉnh chiếm ¼ lượng lúa của cả nước, sản lượng năm 2010 đạt 2,3 triệu tấn, ông Hồng khẳng định, Long An đồng tình với chủ trưởng của Nghị định 109 vì góp phần lập lại trật tự trong lưu thông, tiêu thụ lượng thực trong tương lai.

Trong khi đó, cũng đến từ một vựa lúa, nhưng đại diện UBND tỉnh An Giang lại có ý kiến khác. Phát biểu tại hội nghị, vị này cho rằng để cho doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị, cần phải dời thời hạn chót thực hiện Nghị định 109 thêm ít nhất một năm nữa. An Giang hiện mới có 8/40 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo, 4 doanh nghiệp đang chờ thẩm định cấp phép.

Ông Hoàng Văn Khỏe, đại diện một công ty tư nhân thương mại chuyên hoạt động xuất khẩu gạo than thở, nếu cứng nhắc áp dụng Nghị định 109, “cảnh cửa” sẽ đóng sập đối với doanh nghiệp của ông và hơn 200 doanh nghiệp khác vì chưa đáp ứng đủ điều kiện.

Theo lời vị giám đốc này, bản thân ông là con của nông dân, để không chịu cảnh vất vả ruộng đồng, ông hùn hạp để mở doanh nghiệp thương mại hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Dù không có kho chứa, không có nhà máy xay xát lớn nhưng doanh nghiệp của ông trong nhiều năm qua đã đóng góp tích cực cho việc nâng thương hiệu hạt gạo Việt Nam, như việc bỏ tiền túi ra tổ chức hội nghị về gạo quốc tế ở Singaprre, Nam Phi…

Ông Khỏe “khẩn thiết đề nghị”, Chính phủ và các bộ, ngành cần cho chính sách “thoáng” hơn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để lập lại trật tự trong hoạt động xuất khẩu gạo, ngày 4/10/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Điều 4 của Nghị định số 109 quy định, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ các điều kiện như: có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tổi thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, sát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ phù hợp với quy chuẩn do Bộ N&PTNN ban hành; kho chứa, cơ sở xay sát phải thuộc sử hữu của thương nhân và phải nằm trên trên địa bàn tỉnh, thành trực thuộc trung ương có thóc gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc gạo…

Theo Nghị định, đến ngày 1/10/2011, thương nhân không có giấy chứng nhận đáp ứng các điều kiện trên thì không được phép xuất khẩu gạo.

Càng áp sát “giờ G”, các doanh nghiệp chưa được cấp phép càng “mất ăn mất ngủ”. Như Pháp luật Việt Nam đã đưa, hôm 1/8, tại cuộc họp giao ban trực tuyến tháng 7 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã “hứa”, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bộ để gỡ khó cho các doanh nghiệp.

“Chúng ta không nên quá máy móc vì chúng ta đang cần các DN này. Chúng ta cần dung hòa để gắn kết các DN thị trường và DN sản xuất, tránh những biến động lớn trong việc kinh doanh lúa gạo, ảnh hưởng tới DN và nông dân”, ông Biên phát biểu tại cuộc giao ban. Tuy nhiên, tại hội nghị hôm qua, vị thứ trưởng này lại đưa thêm một gợi ý: các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện được cấp phép nên hợp tác với các doanh nghiệp đã được cấp phép để tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mị Na
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử