Độc quyền cung cấp xăng dầu hàng không – Ứng xử thế nào cho đúng luật?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giải pháp tự vệ?

Sự việc bắt đầu từ việc VINAPCO đề nghị tăng phí nạp xăng dầu từ 593.000 đồng/tấn lên 750.000 đồng/tấn nhưng PA chưa đồng ý. Trong các biên bản làm việc giữa Pacific Airlines và VINAPCO, PA thừa nhận việc tăng phí là phù hợp trong điều kiện các chi phí đầu vào tăng cao tuy nhiên hãng không chấp nhận việc chỉ một mình Pacific phải trả giá cao trong khi Vietnam Airlines vẫn được hưởng giá thấp. Vụ việc ngay lập tức đã được Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam yêu cầu Vinapco tiếp tục cung ứng nhiên liệu cho các chuyến bay của PA nhằm đảm bảo hoạt động ổn định tại cảng hàng không. Hành khách đã được bay trở lại. Lý giải cho hành động ngừng cung cấp xăng dầu của mình, giám đốc VINAPCO Trần Hữu Phúc phân trần: “Công ty không hề đơn phương chấm dứt hợp đồng mà đã liên tục có công văn và thương thảo trực tiếp về giá với PA, ngay cả thời hạn ngừng cung cấp nhiên liệu cũng đã được báo trước”. Cũng theo ông Phúc, phí cung ứng nhiên liệu lên máy bay là 779.000 đồng/tấn, nhưng DN chỉ đề nghị tăng lên mức 750.000 đồng/tấn đối với PA.

Giải thích thêm vì sao chỉ làm việc này với PA mà không thực hiện với Vietnam Airlines thì ông Phúc biện hộ : “Vietnam Airlines tuy là Tổng Công ty “mẹ”, nhưng Vinapco cũng đã có văn bản yêu cầu tăng phí cung ứng lên 779.000 đồng/tấn từ ngày 1/3/2008. Tuy nhiên, việc phê chuẩn phải chờ HĐQT Tổng Công ty. Sở dĩ chúng tôi không ngừng cung cấp xăng dầu cho Vietnam Airlines ngay từ ngày 1/4/2008 (dù VNA còn cân nhắc mức phí này) vì Vietnam Airlines là DN Nhà nước và là chủ sở hữu của Vinapco nên dù chưa chấp thuận mức phí mới cũng không phải lo, sẽ thanh khoản sau. Còn với PA phải làm ngay để dễ thanh toán. Việc làm với PA hoàn toàn là giải pháp tự vệ”.Được biết, Vinapco hiện là DN độc quyền trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ xăng dầu hàng không, 60% lượng xăng dầu của công ty được cung cấp cho các hãng hàng không nội địa và 40% còn lại cung cấp cho các hãng nước ngoài. Nhiều năm qua, chưa có cơ quan nhà nước nào kiểm soát giá dịch vụ độc quyền này, cho nên hàng năm VINAPCO đều tăng phí nạp xăng dầu và PA không có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận(!)

Cấp quản lý nói gì?

Vấn đề của Vinapco và PA đã vượt ra khỏi sự tranh cãi đơn thuần về lý và tình giữa hai DN mà các cấp quản lý còn cho rằng Vinapco đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Cục đã có công văn yêu cầu Vinapco cung cấp các thông tin trước ngày 10/4 về hợp đồng cung cấp xăng máy bay giữa Vinapco với PA, giữa Vinapco với các công ty hàng không khác và các công văn, biên bản làm việc giữa Vinapco với PA từ tháng 6/2007, giải trình về việc ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho PA vào ngày 1/4. Ông Sơn cho biết: “Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì sẽ mở cuộc điều tra sơ bộ tiến hành trong 1 tháng, khi phát hiện rõ dấu hiệu thì sẽ mở cuộc điều tra chính thức. Sau đó chúng tôi sẽ có kết luận điều tra, và chuyển sang Hội đồng xử lý cạnh tranh. Hội đồng sẽ thông qua một phiên điều trần đối với 2 DN trên, lúc này buộc các DN phải tranh luận. Nếu Hội đồng quyết định bên nào sai, theo luật thì mức phạt tối đa mà họ phải chịu lên tới 10% tổng doanh số tài chính của năm 2007”.

Cục trưởng Cục Hàng không Phạm Quý Tiêu cho biết: “Cục đã có công văn gửi Tổng Công ty Hàng không yêu cầu Tổng Công ty chỉ đạo Vinapco không được đơn phương ngừng cung cấp dầu jet A1 cho PA nếu không được các cơ quan thẩm quyền cho phép. Về giá cung cấp dịch vụ xăng dầu, nếu không thương lượng được, hai bên có quyền kiến nghị Bộ Tài chính để tổ chức hiệp thương theo NĐ số 170/2003 ngày 25/12/2003 quy định chi tiết một số điểm của Pháp lệnh giá”. Theo Trưởng ban Quản lý khai thác cảng hàng không, Cục Hàng không VN Vũ Phạm Nguyên Tùng thì Luật Hàng không và các quy định hiện hành không cấm các công ty tham gia kinh doanh lĩnh vực này. Luật cũng quy định các DN vận chuyển hàng không có quyền tự do lựa chọn DN cung cấp dịch vụ hàng không cho mình.

Tuy nhiên, Luật mới có hiệu lực hơn 1năm và đến thời điểm này chưa có DN nào có thể tham gia kinh doanh xăng dầu hàng không, một lĩnh vực cần đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn và tuân thủ các quy định an ninh, an toàn nghiêm ngặt. Được biết, cuối năm 2008, tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ có thêm một công ty cung ứng xăng dầu thuộc Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam đi vào hoạt động. Như vậy, tình trạng độc quyền cung cấp xăng dầu tại Tân Sơn Nhất sẽ bị xóa bỏ.

Nguồn: Báo Thương mại