Đối mặt khó khăn, chỉ các CTCK nằm trong Top 20 mới có thể tồn tại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một báo cáo của Hiệp hội chứng khoán Việt Nam mới đây đưa ra cũng cho thấy, có đến 70 – 80% trong tổng số gần 100 công ty chứng khoán hiện nay đang phải hoạt động cầm cự.

Năm 2007, tăng trưởng giá trị giao dịch cao hơn tăng trưởng số lượng công ty chứng khoán, bởivậy giá trị giao dịch / 1 công ty chứng khoán tăng cao hơn, giúp các công ty chứng khoán có lãi hơn trong môi giới giao dịch. Năm 2008, tăng trưởng giá trị giao dịch không theo kịp với tăng trưởng số lượng các công ty chứng khoán, bởi vậy giá trị giao dịch trung bình / 1 công ty chứng khoán đang có xu thế giảm.

Đối mặt với khó khăn

Nếu như năm 2007, các công ty chứng khoán năm trong TOP 5 trên thị trường Việt Nam đều đạt được lợi nhuận lớn như: Lợi nhuận sau thuế của SSI cán đích 864 tỷ, ACBS là 332 tỷ, BVSC 214 tỷ, KLS 126 tỷ… Bước sang năm 2008, sự sút giảm của thị trường đã khiến những khó khăn của công ty chứng khoán bộc lộ. Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2008 của các công ty chứng khoán cho thấy, trong số những công ty đạt lãi lớn vừa kể trên thì chỉ có SSI hoàn thành 49,36% kế hoạch năm với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 230 tỷ đồng, còn KLS chỉ đạt hơn 3,6 tỷ đồng, BVSC lỗ khoảng 300 tỷ đồng và HPC lỗ 85 tỷ đồng. Các công ty khác nếu có lợi nhuận cũng chỉ đạt mức rất khiêm tốn.

Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là sự suy giảm của thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư thoái lui trong khi số lượng các công ty chứng khoán vẫn không ngừng tăng lên. Doanh thu từ môi giới trung bình không phủ hết chi phí hoạt động. Doanh thu từ các mảng hoạt động ngoài môi giới và tự doanh chiếm 1 tỷ trọng rất nhỏ, và đa phần là lỗ. Làm phép tính trung bình dựa trên số liệu của HoSE và HaSTC có thể thấy, giá trị giao dịch cổ phiếu toàn thị trường từ đầu năm 2008 đến hết tháng 10/2008 là trên 156.966 tỷ đồng. Trung bình tháng, giá trị giao dịch toàn thị trường cổ phiếu là 15.696 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán thực hiện cả 2 nghiệp vụ mua và bán, bởi vậy tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của hệ thống các công ty chứng khoán trong 1 tháng là 15.696 tỷ x 2 = 31.393 tỷ đồng. Nếu bỏ qua yếu tố các công ty chứng khoán hàng đầu chiếm bao nhiêu % thị phần, thì tính trung bình, 1 công ty chứng khoán có giá trị giao dịch bình quân tháng là 31.393 tỷ / 99 công ty chứng khoán = 317 tỷ đồng/tháng. Thời gian qua có rất nhiều các Công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán mới thành lập thực hiện khuyến mại như giảm phí giao dịch, tặng tiền vào tài khoản…

Tổng hợp cho thấy công ty chứng khoán hiện nay thực thu phí chưa đến 0,2% giá trị giao dịch, trong khi phí phải trả là 0,03% (áp dụng từ 13.06.2008 thay cho mức 0,05%). Từ giá trị giao dịch tháng, mức phí thu, mức phí phải trả, có thể tính được doanh thu từ môi giới trung bình của 1 công ty chứng khoán khoảng 317 tỷ x (0,2%-0,03%) = 539 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí trong tháng (thuê mặt bằng, trả lương CBCNV, khấu hao tài sản, chi phí khác…) trung bình của 1 công ty chứng khoán khoảng 1,5 tỷ -2 tỷ / tháng. “Với tình hình thị trường hiện nay, nếu không có sự cải thiện đáng kể từ thị trường tài chính toàn cầu cũng như nội tại thị trường tài chính Việt nam, sẽ có rất nhiều công ty chứng khoán lâm vào cảnh khó khăn và có nguy cơ phá sản” – Phòng Phân tích đâu tư công ty chứng khoán APEC nhận định – “Chúng tôi cho rằng chỉ TOP20 công ty chứng khoán (trên thị trường Việt Nam) là có khả năng tồn tại”.

Cần sự hỗ trợ từ chính phủ

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay liệu có diễn ra tình trạng sát nhập ồ ạt giữa các công ty chứng khoán trong thời gian tới không? Và, để hỗ trợ cho các công ty chứng khoán vượt qua “cơn sóng gió” này sẽ cần đến những biện pháp nào? Ông Nguyễn Thanh Kỳ – Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng: “Sẽ có những khó khăn, nhưng trong thời gian tới có thể sẽ không diễn ra sự sát nhập ồ ạt”. Ông nói thêm, trong bối cảnh hiện nay, ai cũng gặp khó khăn. Ngay cả như một định chế tài chính lớn như City Group cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của chính phủ. Các công ty Chứng khoán nhỏ sẽ có những khó khăn riêng và các công ty chứng khoán lớn cũng có những vấn đề của họ. Quan trọng là chính phủ cần có những chính sách gì để cứu vãn tình thế.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, việc đánh thuế thu nhập đối với các nhà đầu tư chứng khoán chẳng hạn. Cần nhìn nhận các khoản đầu tư chứng khoán như đầu tư trung và dài hạn để tạo ra công ăn việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp… nếu chỉ hướng đến việc thu thuế, nhất là trong thời điểm hiện nay có thể sẽ gây ra tình trạng bán tháo của các nhà đầu tư nhằm tránh khoản thuế sẽ phải đó. Và như vậy, càng khiến cho thị trường trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh việc xem xét lại chính sách thuế, UBCK cũng cần tạo điều kiện để các công ty chứng khoán phát triển các dịch vụ nghiệp vụ phái sinh, phối hợp mở sàn giao dịch vàng, các chính sách lãi suất, cho vay… nhằm tạo tiền đề tâm lý cho nhà đầu tư.

Hiện nay, để phù hợp với tình hình hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đã có các động thái sắp xếp, thu gọn bộ máy hoạt động, từ việc cắt giảm nhân sự cho đến việc đóng cửa bớt các chi nhánh nhằm giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, để giảm gánh nặng chi phí cho các công ty chứng khoán còn cần sự trợ giúp từ UBCK và Bộ Tài chính. Trước mắt, các cơ quan này có thể xem xét giảm các các khoản phí giao dịch, phí đường truyền, cắt bỏ quy định bắt buộc lắp camera theo dõi giao dịch, lắp cửa từ và nhất là giảm quy định về diện tích sàn giao dịch bắt buộc như hiện nay là 200 m2 xuống ở mức nhỏ hơn, nhằm giảm chi phí mặt bằng cho doanh nghiệp.

Hiện nay, hoạt động bán ra dường như vẫn là xu hướng chủ đạo trên thị trường chứng khoán, nguồn cung không ngừng tăng lên, còn cầu lại giảm mạnh khiến cho thị trường liên tục suy giảm. Các nhà đầu từ cũ lần lượt tìm cách rút lui để giảm thiểu thiệt hại về vốn, nhà đầu tư mới vẫn đứng ngoài cuộc chơi, khiến cho các công ty chứng khoán càng trở nên khó khăn hơn. Trước mắt, để các công ty chứng khoán tháo gỡ khó khăn rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý và các cơ quan hoạch định chính sách.

(Nguồn: DDDN, 4/12)