Đổi mới toàn diện, sâu sắc hoạt động giám sát 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đó là ghi nhận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đối với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhiệm kỳ 2016 – 2021. Không chỉ hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn là một trong những cơ quan đi đầu trong đổi mới hoạt động giám sát với việc thâm nhập thực tế, khảo sát thực địa đột xuất, bất ngờ để có đánh giá chính xác nhất…

Tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao

Gần 5 năm qua với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là khoảng thời gian đặc biệt khi phải hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra 12 dự án luật và 27 dự án, vấn đề quan trọng của quốc gia; thực hiện 14 giám sát chuyên đề, 8 giám sát đột xuất, 11 giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức 5 phiên giải trình… Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể Ủy ban, đặc biệt là Thường trực Ủy ban đã rất tâm huyết, trách nhiệm trước nhiệm vụ mà Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Nhân dân giao cho. 

<img alt="" src="” width=”850px” />
Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015 khảo sát thực tế tại một chợ đầu mối của TP. Hà Nội, năm 2017
Ảnh: Hồng Nhung

Theo sát hoạt động của Ủy ban trong hai nhiệm kỳ trở lại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, chưa nhiệm kỳ nào, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì thẩm tra số lượng dự án luật lớn như Khóa XIV, chưa kể nhiều dự án luật khác có liên quan đến khoa học, công nghệ cần có sự tham gia phối hợp thẩm tra của Ủy ban. Không chỉ bộn bề công việc, trong các dự án luật Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì thẩm tra có không ít dự án khó, phức tạp, điều chỉnh những lĩnh vực rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đơn cử 6 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp được Quốc hội Khóa XIV thông qua đều là những luật khó, thậm chí có luật có quy mô như một bộ luật hoàn chỉnh như Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt; hay như Luật Lâm nghiệp – không chỉ đổi tên từ Luật Bảo vệ, phát triển rừng mà còn có sự thay đổi về tư duy quản lý để phù hợp với tình hình mới. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Luật Chuyển giao khoa học, công nghệ đã đáp ứng những yêu cầu trong cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lĩnh vực xây dựng có Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc, trong đó Luật Kiến trúc là một luật rất khó. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, với ý thức trách nhiệm cao, sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể các đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, sự phối hợp của các bộ, ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã hoàn thành tốt đẹp các công việc được giao.

Hoạt động giám sát cũng là một trong những lĩnh vực để lại nhiều dấu ấn của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, được lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng, các nội dung giám sát của Ủy ban đều bám sát vào những vấn đề bức xúc được cử tri, người dân quan tâm. Ủy ban cũng tích cực tổ chức các phiên giải trình, trong đó tập trung giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, có tác động lớn, tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin về tình hình hoạt động, trách nhiệm, vai trò của các bộ ngành và đưa ra một số giải pháp hữu hiệu để xử lý các vấn đề quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là một trong những cơ quan của Quốc hội đi đầu trong đổi mới hoạt động giám sát. “Trong thực hiện chuyên đề giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2015, với sự tham mưu của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn giám sát của Quốc hội không đến các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nghe báo cáo mà thâm nhập thực tế. Đi thực tế cũng phần lớn lúc nửa đêm, tờ mờ sáng, khi các lò mổ, điểm giết mổ tập trung bắt đầu hoạt động và không báo trước nên khi đến nơi đã phát hiện được những việc các cơ quan chức năng chưa đưa vào báo cáo”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Cùng với đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thực hiện khảo sát về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm. Đánh giá cao hoạt động này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tiến hành giám sát trở lại việc thực hiện các kiến nghị giám sát là một đổi mới toàn diện và sâu sắc trong hoạt động giám sát của Ủy ban.

Không có tư tưởng “anh soạn thảo, tôi thẩm tra”

Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, đó là khi thực hiện thẩm tra các dự án luật, Ủy ban không có quan niệm “anh là cơ quan soạn thảo, tôi là cơ quan thẩm tra” mà đã “chung lưng đấu cật” với các bộ, ngành và Chính phủ.

Không chỉ là sự hỗ trợ, ủng hộ của tập thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng. “Anh Phan Xuân Dũng làm việc rất thận trọng, khoa học, trách nhiệm, tích cực chỉ đạo Thường trực Ủy ban, Vụ giúp việc cùng chung lưng, đấu cật với bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, nghị quyết. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã trở thành một mẫu hình về mối quan hệ chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ. 

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận thấy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường luôn sát cánh với Bộ trong việc thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật, cũng như trong triển khai các hoạt động thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bày tỏ ấn tượng với Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi được Quốc hội thông qua vào năm 2017, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, đạo luật này đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, quan điểm, đường lối đổi mới của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, cạnh tranh của sản phẩm, nền kinh tế, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ cao của thế giới.

Trong thời gian tới, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động tái giám sát, đặc biệt là giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết các luật thuộc lĩnh vực phụ trách để bảo đảm đúng tinh thần của luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để kịp thời yêu cầu các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành luật mới để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo nền tảng pháp lý đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Ủy ban cũng sẽ tiếp tục tiến hành các phiên giải trình, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đổi mới khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, khoa học, công nghệ và môi trường đều là những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Với những kết quả và bài học quan trọng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Khóa XIV, chắc chắn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách của cơ quan “gác cổng” cho Quốc hội về chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.