Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Việc làm dưới góc độ về giới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Dự án Luật Việc làm gồm 11 chương và 132 điều, quy định về phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lực lượng lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề, tuyển và đăng ký sử dụng lao động, bảo hiểm việc làm; được áp dụng đối với người lao động; cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm. Các nguyên tắc về việc làm là bình đẳng, không phân biệt đối xử về việc làm, đảm bảo cơ hội có việc làm cho mọi người lao động; tôn trọng quyền lựa chọn việc làm, nơi làm việc của người lao động; thị trường điều chỉnh việc làm, Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển việc làm bằng nhiều hình thức.

Luật Việc làm cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, như: phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm để thực hiện những hành vi trái pháp luật; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho doanh nghiệp không đủ điều kiện theo quy định; khai thác, sử dụng thông tin thị trường lao động vào mục đích trái pháp luật; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm việc làm; sử dụng quỹ bảo hiểm việc làm sai mục đích; gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động trong lĩnh vực việc làm; báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu trong lĩnh vực việc làm…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia sau khi tiếp cận với Dự thảo Luật Việc làm xoay quanh các vấn đề về giới, như: Luật nên tách biệt rõ ràng giới tính ở những lĩnh vực, ngành nghề lao động. Bởi lẽ hiện nay, nữ giới đang là đối tượng “yếu thế”, việc tiếp cận thông tin về việc làm ở nữ giới ít hơn nam giới, người lao động là nữ thường dễ mất việc làm hơn nam giới, vấn đề thu nhập của lao động nữ, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn là nữ còn thấp (chưa thể hiện được tính bình đẳng). Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần lồng ghép vấn đề về giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phân tích để xem xét và đề ra giải pháp đưa vào văn bản luật đối với chính sách việc làm. Đặc biệt, các ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Việc làm cần xem xét, bổ sung, lồng ghép những vấn đề về bình đẳng giới, quy định cụ thể đối với đối tượng phụ nữ là lao động khuyết tật, lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc…

Ban soạn thảo Dự án Luật Việc làm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã giải đáp một số ý kiến đóng góp và sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua trong năm 2013.

Nguồn: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội