Động lực mới cho công nghiệp ôtô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này sẽ thay đổi khi mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, trong đó có nhiều sản phẩm công nghiệp ôtô. Nhiều chuyên gia và DN khẳng định đây được xem như một động lực mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Phát triển chiều sâu

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1483/QĐ – TTg ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, trong đó có sản phẩm công nghiệp ôtô được dư luận đánh giá là đã cụ thể hóa được những chi tiết quan trọng, tạo điều kiện thực sự cho sự phát triển sâu của các ngành.

Với ngành công nghiệp ôtô thì việc đưa ra những danh mục các sản phẩm công nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ sẽ hướng tới và đạt được mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá – một trong những vấn đề đến nay, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thành công.

Theo đó, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô có hàng loạt nhóm sản phẩm được ưu tiên phát triển, bao gồm: Động cơ và chi tiết động cơ, hệ thống bôi trơn, hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp nhiên liệu, khung – thân vỏ – cửa xe, hệ thống treo, bánh xe, hệ thống truyền lực, hệ thống lái, hệ thống phanh và các linh kiện điện – điện tử, hệ thống chiếu sáng và tín hiệu, hệ thống xử lý khí thải ôtô, kinh kiện nhựa cho ôtô, linh kiện cao su, giảm chấn… Bên cạnh đó, những ngành, nghề liên quan đến ôtô như ngành cơ khí chế tạo có 5 nhóm sản phẩm, gồm: khuôn mẫu và đồ gá, dụng cụ – dao cắt, phụ tùng máy gia công cơ khí và phụ tùng máy hàn, dụng cụ đo lường và kiểm tra dùng trong cơ khí, các chi tiết máy…

Nắm bắt cơ hội ?

Các dự án sản xuất những sản phẩm nằm trong danh mục này sẽ được xem xét áp dụng cơ chế hỗ trợ thích hợp theo quy định tại Quyết định 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích phát triển thị trường, hạ tầng cơ sở, hỗ trợ khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ tài chính…

Theo ông Dư Quốc Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội kỹ sư ôtô VN, việc đưa 15 nhóm sản phẩm công nghiệp của ôtô được ưu tiên phát triển sẽ tạo điều kiện cho hầu hết các DN nắm bắt được cơ hội vì ngoài những sản phẩm quan trọng, danh mục này cũng ưu tiên cả những hạng mục không quá khó như khung, thân vỏ, cửa xe.  Hiện nay đã có nhiều DN nắm bắt sớm cơ hội này, kể cả trong việc sản xuất động cơ như Trường Hải và Hyundai. Ngoài việc trực tiếp sản xuất thì chính những dự án dạng như thế này sẽ kéo theo, tạo điều kiện rất nhiều cho các DN sản xuất linh kiện phụ tùng trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ hơn vào VN. Và vì vậy, theo nhiều chuyên gia và DN thì việc hỗ trợ phải cụ thể hoá hơn nữa và không nên hỗ trợ giống nhau, mà phải tuỳ thuộc vào các nhóm sản phẩm cụ thể, càng khó, vốn lớn, càng phải ưu đãi nhiều, ưu dãi đúng đối tượng. Bên cạnh đó, việc quyết định ưu đãi vào thời điểm hiện nay sẽ giúp thu hút nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô tại VN hơn. Vì nếu so sánh thì việc đầu tư vào VN sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với các nước trong khu vựe.

Tuy nhiên, cũng không ít các chuyên gia và DN cho rằng vẫn khó tận dụng được cơ hội này, nhất là các DN nhỏ và vừa trong nước. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng lập luận này dựa trên hai yếu tố: Thứ nhất, thời gian từ nay đến năm 2018, khi mà mức thuế suất nhập khẩu ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô trong các nước Asean giảm mạnh, về mức bằng không không còn nhiều. Và liệu nếu đầu tư mạnh vào những nhóm sản phẩm này, nhất là khi nền tảng và kinh nghiệm còn ít thì sẽ khó cạnh tranh. Thứ hai, bản thân nhiều hãng ôtô trong nước cũng không mặn mà với việc sử dụng các sản phẩm, linh kiện, phụ tùng do các DN trong nước sản xuất (họ hầu như chỉ sử dụng các linh kiện, chi tiết nằm trong hệ thống của mình và những DN này chủ yếu lại đang nằm ở các nước như Thái Lan, Trung Quốc…). Điều này đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Đó là chưa nói đến vấn đề về chất lượng, giá cả. Vì vậy, ngoài vấn đề ưu tiên thì việc giải quyết tốt yếu tố mở rộng thị trường là điều cần làm gấp, không chỉ riêng DN mà Nhà nước cũng phải chúng tay, góp sức. Với những ưu tiên nêu trên, chắc chắn sẽ có những DN tận dụng tốt thời cơ, phát triển mạnh và đó sẽ là động lực lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển.

Linh Anh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp