Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự: Việc tham gia của Viện kiểm sát là rất cần thiết
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Trong tranh chấp dân sự, tài sản là yếu tố vô cùng quan trọng…

Về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát vào các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm là cần thiết, lý lẽ như Báo cáo giải trình mà UBTVQH đã trình bày. Trong xử án, án dân sự là phức tạp, thậm chí còn phức tạp hơn cả án hình sự và đây là nơi dễ nảy sinh tiêu cực nhất. Cho nên việc tham gia của Viện kiểm sát hết sức cần thiết. Chính vì vậy chúng tôi không thật tán thành với nội dung quy định ở trong dự án luật là Viện kiểm sát có thể tham dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm nếu xét thấy cần thiết. Tôi đề nghị bỏ chữ “xét thấy cần thiết”, sự tham gia của Viện kiểm sát phải là bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Báo cáo giải trình của UBTVQH đã nêu rất rõ trong phiên sơ thẩm, đại biểu Viện kiểm sát nói gì, còn trong phiên phúc thẩm thì đại biểu Viện kiểm sát nói gì. Nhưng trong quy định của dự án luật lại không nói rõ là đại biểu của Viện kiểm sát có quyền và có nghĩa vụ phát biểu những gì ở trong phiên phúc thẩm. Do vậy, đề nghị bổ sung điều này vào trong luật.

Vấn đề thứ hai là thẩm quyền của tòa án đối với các quyết định của cơ quan, tổ chức khác. Quy định tòa án có quyền tuyên hủy những quyết định trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức khác tôi tán thành, tuy nhiên trong luật còn nói rõ là tòa án cấp nào thì được tuyên hủy những quyết định của cấp nào…

Thứ ba, về Hội đồng định giá tài sản. Trong tranh chấp dân sự, tài sản là yếu tố vô cùng quan trọng, nhiều khi đây chính là nguồn gốc tranh chấp dân sự. Cho nên việc định giá tài sản là việc quan trọng nhất trong xử án dân sự. Vì vậy, theo tôi cần có quy định những người có quan hệ ruột thịt, họ hàng thân tình với một trong các bên đương sự thì không được tham gia Hội đồng định giá tài sản. Đương sự cả bên nguyên lẫn bên bị có quyền đề nghị thay đổi thành viên Hội đồng định giá tài sản nếu thấy việc tham gia của các thành viên đó không bảo đảm tính khách quan, công bằng trong định giá tài sản. Vấn đề này trong tòa án gọi là nguyên tắc hồi tỵ. Tôi nghĩ trong trường hợp này cần phải áp dụng nguyên tắc hồi tỵ và cũng phải quy định ai được quyền xem xét và chấp nhận kiến nghị của đương sự…

ĐBQH Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu): Không phải chỉ có người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thứ nhất, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 31 về tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà không nhất thiết phải giải quyết qua thủ tục hòa giải tại cơ sở, Điểm a có viết là: về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo tôi việc hiểu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thể do người sử dụng lao động hoặc do lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên trong trường hợp này dự án luật chỉ đề cập đến trường hợp người lao động bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy, để khẳng định rõ tôi đề nghị sửa lại là: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ hai, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 85 thu thập chứng cứ có quy định thẩm phán có thể tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ bằng biện pháp đối chấp. Theo tôi, quy định như vậy là không phù hợp, vì thẩm phán giải quyết vụ án là những người nhân danh pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên không thể có việc đối chấp với nguyên đơn hoặc bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Do vậy, tôi đề nghị sửa biện pháp đối chấp bằng biện pháp tổ chức đối chấp có nghĩa là thẩm phán tổ chức đối chấp giữa các đương sự trong vụ án chứ không thể là thẩm phán đối chấp được.

Thứ ba, tại Điều 176 về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn. Nội dung của điều này gồm 3 khoản, đã mở rộng hơn ngoài phạm vi của quyền đã đề cập đến nội dung và yêu cầu phản tố của bị đơn. Do vậy, đề nghị xem xét cân nhắc lại tiêu đề của điều này theo hướng mở rộng hơn để bao quát hết các nội dung mà điều này đề cập.

Thứ tư, Điều 189 về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Điều này nêu ra 6 trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, để thống nhất với cách trình bày trong các Điều 202, 275, 277, 297, đề nghị bổ sung thêm một câu chung trước khi liệt kê các trường hợp bị đình chỉ giải quyết vụ án là Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án đương sự trong các trường hợp sau…

ĐBQH Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh): Những vụ dân sự  mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, tài sản nhà nước, kiểm sát viên tham gia có quyền phát biểu quan điểm

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, UBTVQH đã đưa ra một quan điểm dung hòa, cụ thể là đã quy định Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm khi xét thấy cần thiết và kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân thủ tuân theo pháp luật về tố tụng của thẩm phán Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Trong phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên còn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, theo tôi quy định như trên là chưa phù hợp với nguyên tắc việc dân sự cốt ở đôi bên, tức là nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự. Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong giải quyết các vụ án dân sự bởi thứ nhất, Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên đương sự. Thứ hai, vị trí, chỗ đứng của Viện kiểm sát là lợi ích của nhà nước, không phải lợi ích của một trong hai bên đương sự. Do đó, theo tôi trong những vụ án dân sự mà đối tượng tranh chấp là tài sản công, tài sản của nhà nước thì kiểm sát viên tham gia có quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Ví dụ, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối là một bên tranh chấp thì Viện kiểm sát có quyền phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Lúc đó Viện kiểm sát đứng ở vị trí lợi ích của nhà nước để phát biểu quan điểm bảo vệ quyền lợi của nhà nước, còn các bên đương sự là công dân thì kiểm sát viên không thể phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Tôi ủng hộ ý kiến giữ lại quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành là Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với các vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự khiếu nại.

ĐBQH Vũ Duy Hòa (Thanh Hoá): Cần khôi phục lại quy định Viện kiểm sát nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp

Về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, trước đây theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật tham gia tất cả các phiên tòa dân sự, do đó có điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn. Từ đó góp phần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, khi Bộ luật Tố tụng dân sự ra đời đã hạn chế tối đa việc tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát nhân dân vì cho rằng dân sự là việc của đôi bên. Vì thế việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cũng như Viện kiểm sát nhân dân tham gia bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và lợi ích của công dân gặp rất nhiều khó khăn.

Dân sự đúng là việc của đôi bên, đôi bên có thể là giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với pháp nhân, giữa pháp nhân với nhau. Mặc dù dân sự là việc của đôi bên nhưng việc tự định đoạt của đôi bên hoặc khi đôi bên không tự thỏa thuận được mà phải do Tòa án giải quyết đều phải đúng với đường lối, chính sách và pháp luật, phù hợp với phong tục, truyền thống và đạo đức xã hội. Vì thế việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ việc dân sự là tất yếu khách quan, nhằm bảo đảm pháp chế thống nhất, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự. Do đó cần khôi phục lại quy định Viện kiểm sát nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ có hiệu quả.

ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): Nên đưa nội dung kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án dân sự vào trong luật
Qua khiếu nại của công dân và thực tế giám sát một số bản án dân sự trên địa bàn TP Cần Thơ chúng tôi thấy có nhiều thiếu sót trong quá trình xét xử. Qua tổ chức lấy ý kiến về dự án luật này tại Cần Thơ, nhiều ý kiến đã kiến nghị nên đưa nội dung kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án dân sự là phù hợp nhằm bảo đảm và tuân thủ đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước. Vì thực tế hiện nay việc xét xử có nhiều vụ việc giải quyết thiếu khách quan, vi phạm trong tố tụng nhưng Viện kiểm sát không kịp thời kháng nghị theo thẩm quyền do không đủ thông tin. Khi dân biết và khiếu nại đến Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát mới rút đơn, hồ sơ xem xét kỹ lại thì có sai. Khi phát hiện sai sót thì mới kháng nghị làm mất thời gian, công sức và tiền của của công dân. Cho nên luật sửa đổi lần này cần quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp, kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật việc tố tụng của thẩm phán, của Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng. Đối với án phúc thẩm kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án của Tòa án cần thiết bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát.

Tôi thống nhất với quy định Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ việc dân sự từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ việc, tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án xét thấy cần thiết; kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án, quyết định của Tòa án, thực hiện các quyền yêu cầu kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật…

Minh Vân lược ghi
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân