Dự báo một số nền kinh tế châu Á 2012-2013
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Châu Á đang chuyển hướng tăng trưởng bền vững dài hạn

Tuy nhiên, theo ADB, sự giảm tốc của kinh tế châu Á năm nay so với năm 2011 không có gì đáng ngại vì nhìn chung khu vực đang chuyển hướng sang “con đường tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn”, dựa trên sức cầu nội địa mạnh mẽ thay vì xuất khẩu, vốn bị nhu cầu suy giảm tại các nước phương Tây tác động.

Thành tựu kinh tế của châu Á đáng được ghi nhận vì dù sẽ giảm nhẹ trong năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á cũng vẫn cao hơn nhiều so với các cực kinh tế khác của thế giới như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nơi sản lượng được dự báo chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm 2012 và 1,7% vào năm 2013.

Đồng thời, ADB cũng cảnh báo đi cùng với tăng trưởng kinh tế sẽ là tình trạng bất bình đẳng nói chung và chênh lệch giầu nghèo thêm nghiêm trọng, với nguy cơ các thành phần nghèo bị cuốn hút vào một “vòng luẩn quẩn” của sự đói nghèo và bị đặt ra bên lề của sự phát triển.

Về các nền kinh tế lớn trong khu vực, ADB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,5% trong năm 2012 và 8,7% vào năm 2013, trong khi kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 7,5% trong năm 2012. Đối với khu vực ĐNÁ, dự báo kinh tế tăng 5,2% trong năm 2012, cao hơn năm 2011, nhờ động lực chính là sự phục hồi của kinh tế Thái Lan sau trận lụt dữ dội vào năm 2011.

Kinh tế Campuchia tăng trưởng cao

ADB cho biết: tăng trưởng kinh tế Campuchia năm 2011 đạt 6,8%; dự báo năm 2012 đạt 6,5% và năm 2013 đạt 7%. ADB phân tích lý do dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 tụt lùi xuống 6,5% là do sự tụt lùi của xuất khẩu công nghiệp, trong khi dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng rất ít và bị ảnh hưởng bởi sự khủng hoảng của hai thị trường quan trọng là Mỹ và Châu Âu.

Lào vẫn tăng trưởng ở mức cao

Bộ Kế hoạch – Đầu tư Lào cho biết, tăng trưởng GDP năm tài chính 2011 – 2012 sẽ vượt mức 8% của năm trước, nhưng sẽ thấp hơn dự kiến trước đó là 8,3%.

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á do ADB, năm 2012 nền kinh tế Lào sẽ tăng trưởng trong khoảng 7,8-8% nhờ các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên, chế tạo, may mặc và dịch vụ tiếp tục tăng nhanh; lạm phát ở mức 6,7% do giá cả lương thực trên thế giới giảm, làm giảm áp lực về lương thực vốn chiếm phần lớn trong chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu bấp bênh trên thế giới vẫn là mối đe dọa đối với lạm phát và nền kinh tế.

Trong lĩnh vực thương mại, trong 6 tháng đầu năm tài chính 2011-2012, Lào đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 832 triệu USD, đạt 52% kế hoạch năm nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước 10%, do giảm giá trị xuất khẩu các sản phẩm khai khoáng và may mặc. Trong khi đó lượng hàng nhập khẩu vào Lào là 1 tỉ USD, đạt 72% kế hoạch năm, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước 4% do quyết định cấm nhập khẩu xe ô-tô cũ từ cuối năm 2011. Con số nhập siêu là 166 triệu USD đã gây bất ngờ cho các nhà quản lý, vượt xa dự báo của Chính phủ, vì trước đó Chính phủ dự báo thặng dư thương mại 201 triệu USD cho cả năm tài chính (nhập khẩu 1,4 tỉ USD, xuất khẩu 1,6 tỉ USD)./.

Linh Hương
Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc