Dự báo quá lạc quan?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thiết nghĩ, dự báo cần có sự chính xác nhất định để các DN có thể từ đó tìm hướng sản xuất kinh doanh cụ thể. Mọi dự báo dù lạc quan hay bi quan quá mức đều đem lại những tác động không nhỏ tới DN.

“Ăn cơm mới nói chuyện cũ”

Trước hết, sau quá trình tụt dốc rất nhanh những năm đầu thập kỷ 90 chắc chắn do “cơn khát” tiêu dùng kéo dài hàng chục năm trước đó đã rất nhanh chóng được thỏa mãn nhờ kinh tế tăng tốc nhanh chưa từng có, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (dưới đây gọi tắt là thị trường bán lẻ) đã rơi tự do và hầu như liên tục nằm ở mức đáy trong nhiều năm liền do những tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực.

Năm 1997, việc tốc độ tăng của thị trường bán lẻ đột ngột rơi tự do xuống còn 10,99% chỉ có thể là do “cơn khát” tiêu dùng đã được thỏa mãn trong nhiều năm trước đó cộng hưởng với những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực mà chúng ta bắt đầu phải đối mặt. Và có thể nói, 1997 – 2001 là “giai đoạn đen tối” nhất của thị trường bán lẻ trong hơn hai thập kỷ đổi mới đã qua. Bởi lẽ, ngoại trừ năm 1998 đạt tốc độ tăng vượt trội 14,64% chủ yếu do lạm phát đột ngột tăng cao trở lại vì giá gạo thế giới sốt nóng bắt nguồn từ “El Nino thế kỷ”, các năm còn lại chỉ dao động xung quanh ngưỡng 10%, trong đó năm 1999 “chạm đáy” chỉ với 8,26% và tốc độ tăng GDP cũng “chạm đáy” chỉ với 4,77%.

Nhìn tổng quát, việc thị trường bán lẻ trong những năm này rơi vào tình trạng trầm lắng như vậy là do hai yếu tố chủ yếu sau đây cộng hưởng với nhau:

Thứ nhất, sau một chu kỳ phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế rơi tự do đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư tăng chậm lại và sức mua xã hội cũng tăng chậm lại.

Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như trong năm đầu tiên đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chỉ giảm không nhiều (giảm từ 9,34% xuống còn 8,15%), nhưng năm 1988, khi khủng hoảng lên tới cao trào, thì tốc độ tăng này chỉ còn 5,76%.

Hơn thế, một điểm hết sức độc đáo nữa chính là, cho dù cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã đi qua, nhưng năm 1999 nền kinh tế nước ta mới bắt đầu “chạm đáy” chỉ với tốc độ tăng 4,77%, tức là giảm đúng một nửa so với tốc độ tăng kỷ lục 9,54% của năm 1995 và cho đến nay đây dường như vẫn còn là điểm chưa thực sự được làm sáng tỏ một cách thấu đáo. 

Thứ hai, sau cơn sốc khủng hoảng kinh tế khu vực, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phục hồi mạnh, nhưng thị trường bán lẻ vẫn hết sức trầm lắng, cho nên hiện tượng không mong muốn này chỉ có thể là do tâm lý “thắt lưng buộc bụng quá kỹ” của người tiêu dùng.

Các số liệu thống kê cho thấy, sau khi “chạm đáy”, nền kinh tế đã phát triển với tốc độ khá ngoạn mục 6,79% trong năm 2000, còn năm 2001, cho dù lại phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ”, tốc độ này vẫn tiếp tục nhích lên 6,89%, nhưng tốc độ tăng của thị trường bán lẻ trong hai năm này cũng chỉ nhích lên rất không đáng kể.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, cho dù thế và lực của nền kinh tế nước ta và đồng thời cũng là của người tiêu dùng nước ta cũng đã khác “một trời một vực” so với cách đây một thập kỷ, nhưng đây vẫn là những bài học vô cùng quý giá.

Kỷ lục năm 2008: do giá tiêu dùng khuếch đại

Có thể nói, trong các dãy số liệu kinh tế vĩ mô nói trên, kỷ lục tăng của thị trường bán lẻ năm 2008 trong vòng 14 năm trở lại đây là không bình thường. Sở dĩ như vậy là bởi lẽ, việc “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng phình to” không dựa trên cơ sở kinh tế cần phải có.

Các số liệu thống kê cho thấy, với tổng dung lượng ước đạt 968.067 tỷ đồng, thị trường bán lẻ đã đạt tốc độ tăng 31%.

Dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê khẳng định: Thị trường bán lẻ sẽ tăng khoảng 15 – 18% trong năm 2009. Đây quả là con số khiêm tốn so với mức tăng 31% trong 2008. Thế nhưng, với khó khăn hiện tại nhiều chuyên gia cho rằng dự báo này có phần quá lạc quan.

Dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê khẳng định: Thị trường bán lẻ sẽ tăng khoảng 15 – 18% trong năm 2009. Đây quả là con số khiêm tốn so với mức tăng 31% trong 2008. Thế nhưng, với khó khăn hiện tại nhiều chuyên gia cho rằng dự báo này có phần quá lạc quan.

Trong khi đó, cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,18% năm 2008 cũng đã có thể coi là thành công do chúng ta đã bắt đầu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trăm năm mới có một lần hiện nay, nhưng đây cũng chính là năm mà kinh tế nước ta đã rơi tự do không kém năm 1998 bao xa. Điều này có nghĩa là, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm mạnh như vậy, tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư đương nhiên cũng tăng chậm lại tương ứng, cho nên việc tốc độ tăng của thị trường bán lẻ rơi tự do như những năm cuối thập kỷ trước là hợp quy luật, còn việc tăng kỷ lục 31% năm 2008 là rất không bình thường. Rõ ràng, trong khi thu nhập tăng chậm lại rất đáng kể, tốc độ chi tiêu dùng hằng ngày lại tăng đột biến thì chỉ có thể là do rất đông đảo người tiêu dùng đã bị buộc phải “dốc hầu bao” cho chuyện “miếng cơm manh áo”, cho nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua xã hội trong năm nay.

Có thể nói, đây chính là một kỷ lục “ẩn phía sau” các số liệu thống kê của nước ta trong 16 năm trở lại đây, bởi trong suốt cả một chặng đường rất dài này, trong khi chỉ có 4 năm tỷ lệ này dao động trong khoảng 3 – 4,4 lần, thì có tới 7 năm dao động trong khoảng từ 2 đến dưới 3 lần và dao động dưới 2 lần cũng có tới 4 năm .

Một loại chỉ số không được công bố thường xuyên hằng tháng cũng cho thấy rất rõ điều này. Đó là, nếu như ở thời điểm giữa năm 2007, trong khi tốc độ tăng của thị trường bán lẻ tính theo giá thực tế là 22,9%, còn loại trừ yếu tố tăng giá thì vẫn đạt 15%, thì ở thời điểm giữa năm 2008, cặp số liệu này bị biến dạng quá mạnh thành 30% và 8%, còn chỉ tính chung cả năm 2008 là 31% và 6,5%.

Những điều nói trên cho thấy rằng, tốc độ tăng kỷ lục của thị trường bán lẻ năm 2008 chủ yếu là do giá tiêu dùng “khuếch đại” lên, còn tốc độ tăng thực tế thì bị “co lại”. Điều này có nghĩa là, để tăng mua một khối lượng hàng hoá hạn chế như vậy, những người tiêu dùng đã phải “dốc hầu bao” quá nhiều.

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cho dù điều đó không ảnh hưởng nhiều đến “túi tiền” của một bộ phận nhỏ dân cư có thu nhập cao trong xã hội, nhưng đối với bộ phận dân cư có thu nhập thấp, thậm chí có thu nhập trung bình, thì sức mua chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có nghĩa là, những “di chứng” mà lạm phát cao và kinh tế tăng trưởng thấp năm 2008 để lại cho thị trường bán lẻ hiện nay là nặng nề chưa từng có.

Sự cộng hưởng của ba tác nhân

Theo những lôgíc nói trên, có lẽ đã có đầy đủ căn cứ đáng tin cậy để cho rằng, tốc độ tăng bán lẻ năm 2009 sẽ tụt dốc mạnh.

Thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, đương nhiên thị trường trong nước không có nền tảng tốt để tăng trưởng mạnh.

Trước hết, trong điều kiện cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại, khả năng nền kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đã gần như không thể. Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của quảng đại các tầng lớp dân cư sẽ tiếp tục bị chậm lại, công ăn việc làm trở nên khó khăn, cho nên sức mua của thị trường xã hội cũng sẽ tăng chậm lại, và do vậy, tốc độ tăng của thị trường bán lẻ đương nhiên cũng sẽ chậm lại. Bài học “chạm đáy” năm 1999 nói trên cũng có thể giúp chúng ta dễ dàng hình dung triển vọng rất không sáng sủa này.

Thứ hai, trong điều kiện hội đủ những yếu tố để chuyển trạng thái từ sốt nóng năm 2008 sang sốt lạnh trong năm nay và trạng thái này đồng nghĩa với yếu tố quan trọng nhất khiến thị trường bán lẻ bị “khuếch đại” lên kỷ lục như năm 2008 biến mất, cho nên tốc độ tăng của nó rơi tự do gần như là chắc chắn.

Trước hết, như dự báo gần đây nhất của IMF cho thấy, thay vì ước tăng bình quân 27,48% năm 2008, dầu mỏ thế giới năm nay sẽ “đại hạ giá” kỷ lục 48,5%, còn nguyên liệu phi dầu mỏ cũng “đại hạ giá” 29,1%, cho nên giá nguyên liệu nói chung sẽ giảm khoảng 43%. Đối với một nền kinh tế mà riêng “rổ hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu” đã lên tới khoảng 60% như nước ta, thay vì “nhập khẩu sốt nóng giá cả thế giới” trên quy mô rất lớn trước đây, chúng ta sẽ chuyển sang “nhập khẩu sốt lạnh giá cả thế giới” cũng trên quy mô tương tự.

Do vậy, ngược lại với tác dụng gia nhiệt thị trường trong nước ngày càng mạnh năm năm gần đây, đây sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng khiến thị trường trong nước của chúng ta năm nay sẽ phải hạ nhiệt theo giá thế giới.

Thứ ba, cả hai yếu tố tác động nói trên sẽ cộng hưởng với tình trạng “cháy túi” của một bộ phận không nhỏ dân cư trong năm 2008 chắc chắn sẽ làm cho tâm lý “thắt lưng buộc bụng” trong năm nay mạnh thêm.

Nói tóm lại, trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu còn gay gắt, sự cộng hưởng của một loạt yếu tố sẽ khiến thị trường trong nước tụt dốc rất mạnh là điều chắc chắn. Vấn đề chỉ còn là, liệu thị trường bán lẻ năm nay vẫn có thể tăng 15-18% như dự báo cuối quý I vừa rồi của Tổng cục Thống kê, hay là còn tụt dốc mạnh hơn nữa? Có lẽ, tốc độ tăng đã loại trừ yếu tố tăng giá chỉ ở mức 6,5% trong năm 2008, còn tốc độ tăng cách đây 10 năm cũng chỉ xấp xỉ 11% cũng đủ hàm ý rằng, tốc độ tăng dự báo đó có vẻ vẫn lạc quan quá mức.

Ông Nguyễn Thành Biên – Thứ trưởng Bộ Công Thương :

Trong 2008 Bộ Công thương đã đề xuất đề án phát triển thị trường thương mại nội địa, trong đó tập trung hỗ trợ DN tiếp cận vốn, đất đai. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn vừa qua chúng tôi trình Chính phủ đề án xúc tiến thị trường nội địa, đặc biệt tập trung vào khu vực nông thôn miền núi. Trong đó trình Chính phủ hỗ trợ người dân DN mua máy móc vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, qua tín chấp và thế chấp với lãi suất thấp. Hỗ trợ mua hàng tiêu dùng như ti vi xe máy với lãi suất như lãi suất hỗ trợ 4%. Hi vọng đây sẽ là những đòn bẩy để thị trường phân phối bán lẻ tiếp tục phát triển.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị:

Theo tôi, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ VN sẽ giảm rất nhiều so với vài năm gần đây. Số liệu thống kê cho thấy, quý I/2009, tăng trưởng bán lẻ chỉ đạt 6,2%. Con số này được hỗ trợ rất nhiều bởi tháng Tết – nhu cầu mua sắm tăng cao.

Chính vì vậy việc thị trường bán lẻ VN từ giờ đến cuối năm tăng như thế nào sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: Thứ nhất là khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước; Thứ hai là hiệu quả của các gói kích cầu cũng như các chương trình kích thích tiêu thụ hàng hoá nội địa; Thứ ba là nỗ lực từ phía các nhà sản xuất và phân phối…

Với tình hình thực tế hiện nay, khả năng tăng trưởng khả quan nhất của thị trường bán lẻ theo tôi cũng chỉ đạt 10%. Mức tăng trưởng này đã bao gồm bỏ qua yếu tố giá.

  Nguyễn Đình Bích
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp