Dự án Luật Công nghệ cao: Ưu đãi nhiều, lấy tiền đâu để thực hiện?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự luật cũng cho phép hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí nghiên cứu và phát triển cho tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu công nghệ cao có kết quả mang lợi ích cao về kinh tế và xã hội. Cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí mua sắm trang thiết bị. Những chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ tương đương các chuyên gia nước ngoài trong các hoạt động công nghệ cao thì được hưởng các điều kiện sống và làm việc như đối với chuyên gia công nghệ cao nước ngoài làm việc tại Việt Nam…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của dự luật. GS-TSKH Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục cho rằng với những ưu đãi như dự luật đưa ra thì “lấy đâu ra tiền mà thực hiện”. GS Thi dẫn chứng: Quy định cho chuyên gia Việt Nam được ưu đãi như chuyên gia nước ngoài, chỉ lấy một ví dụ là giảng viên nước ngoài hưởng lương 3.000 USD/tháng, gấp 10 lần thu nhập của giáo sư nước ta, thì lấy đâu ra tiền mà trả?

Cũng theo ông Thi, việc định danh lĩnh vực công nghệ cao phải theo chuẩn quốc tế chứ đừng theo kiểu ở mình thì nói là cao nhưng so với thế giới chỉ là xoàng. Đồng ý với ý kiến của ông Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Trong điều kiện là nước nghèo, cần xác định trọng tâm, trọng điểm để đầu tư chứ đừng làm theo kiểu vì có ưu tiên nên “anh nào cũng muốn có mặt”.

Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Đa dạng sinh học. Nội dung đáng chú ý trong dự luật này là việc cho phép nuôi các loài hoang dã thuộc danh mục được bảo vệ để buôn bán, giết thịt, tiêu thụ. Đây là hoạt động bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên phản đối nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép nuôi sinh sản thương mại một số loài được bảo vệ là biện pháp tốt để giảm áp lực săn bắt, khai thác bất hợp pháp. Trung Quốc, Thái Lan cũng đã cho phép nuôi sinh sản thương mại một số loài được bảo vệ. Hơn nữa, việc cho phép nuôi sinh sản thương mại cũng không trái với Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM