Dự án Luật Công vụ: Giáo viên, bác sĩ sẽ không còn là công chức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 28-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công vụ. Theo các phương án trong dự án luật được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày, dự luật này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong phương thức tổ chức, quản lý của nền công vụ nước ta.

Thủ tiêu “nền công vụ bằng cấp”

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho rằng nhận thức về hoạt động công vụ, công chức hiện nay vẫn mang dấu ấn thời kỳ bao cấp. Trong hoạt động công vụ chưa có sự phân định triệt để mối quan hệ giữa hành chính với chính trị; hành chính với sự nghiệp công; giữa hoạt động nhà nước mang tầm vĩ mô với sản xuất, kinh doanh. “Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý công chức trong nhiều cơ quan nặng về bằng cấp chứ chưa chú trọng đến năng lực thực thi công vụ. Điều này tạo ra sự trì trệ, chậm đổi mới của chế độ công vụ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý công chức hiện nay” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng Luật Công vụ ra đời là cần thiết để thay đổi bộ máy công chức hiện nay. “Người đã vào (biên chế) được rồi thì chẳng bao giờ phải ra, trừ khi tự xin ra. Làm việc tốt hay không thì cũng ba năm lên lương một lần. Như thế thì lấy đâu ra động lực để cạnh tranh!” – bà Mai trăn trở.

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, minh họa thêm: “Tôi từng gặp trường hợp tuyển một công chức vào làm công tác đối ngoại ở UBND cấp tỉnh. Một người dự tuyển đã từng công tác tại Anh ba năm, ngoại ngữ rất tốt nhưng cuối cùng lại trượt vì môn quản lý hành chính không đủ điểm. Ai cũng biết vậy là mất cán bộ giỏi nhưng “ba-rem” tuyển dụng có rồi, không khác được. Nhiều người giỏi chuyên môn đã bị trượt như thế…”. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cũng nói rằng với kiểu tuyển dụng như vậy thì “chỉ tuyển được những anh học thuộc lòng!”.

Chỉ lãnh đạo mới là công chức

Tính đến thời điểm 2006, tổng biên chế cán bộ, công chức của cả nước là gần 1,8 triệu người (không kể cấp xã). Theo quy định mới của dự án Luật Công vụ, hàng vạn người đang là công chức hiện nay sẽ không còn là công chức nữa.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn giải thích: Các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục, y tế… được nhà nước thành lập và ủy quyền để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Do đó, chỉ những người được nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm để giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị này mới là công chức thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Công vụ. Còn những người trực tiếp thực hiện các hoạt động này như giáo viên, bác sĩ, diễn viên…, dù làm việc trong khu vực công hay khu vực tư đều giống nhau về nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm được thỏa thuận trong hợp đồng khi được tuyển dụng.

Cũng theo dự án luật, tuyển dụng người vào các vị trí tương ứng với ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở xuống thì thực hiện tuyển dụng có thời hạn thông qua ký hợp đồng làm việc. Tuyển dụng người vào các vị trí tương ứng với ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên thì thực hiện tuyển dụng lâu dài thông qua quyết định tuyển dụng. Như vậy, hiểu một cách nôm na thì chỉ các vị trí lãnh đạo trong bộ máy công vụ mới là công chức.

Dự án Luật Công vụ sẽ tiếp tục được Quốc hội mổ xẻ tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm y tế. Điểm mới của dự án luật này là việc bổ sung một số đối tượng đóng bảo hiểm y tế bắt buộc gồm: trẻ em dưới sáu tuổi, người thuộc hộ cận nghèo, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, học sinh, sinh viên, thân nhân người lao động… Dự luật cũng quy định nguyên tắc đóng bảo hiểm tối đa bằng 6% (thay vì 3% như hiện nay). Nếu thực hiện theo những quy định của dự luật, đến năm 2015 sẽ có 60%-65% dân số được bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ cao hơn nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, nhiều quy định của dự án luật này đang còn gây tranh cãi.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM