Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi: Chỉ cởi mở chưa đủ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Rất nhiều nội dung mới đã được đưa vào dự thảo Bộ luật như điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu, những quy định để kiểm soát hoạt động phá dỡ tàu cũ, hay mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển… Những nội dung này đều nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH.

Phát sinh ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình bày Tờ trình Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, để đảm bảo yêu cần an toàn kỹ thuật, dự thảo Bộ Luật đã bổ sung quy định “Tàu biển đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, phá dỡ phải được thực hiện tại cơ sở có đủ điều kiện theo quy định”. Ban soạn thảo cho rằng, thực tiễn việc đóng mới, hoán cải phục hồi, sửa chữa trong thời gian vừa qua có những bất cập. Một số cơ sở chưa đủ năng lực về nhân lực, con người, tài chính, kỹ thuật đóng tàu dẫn đến chất lượng các con tàu chưa đảm bảo chất lượng. Do đó, cần có quy định về điều kiện đối với các cơ sở này để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật của sản phẩm.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội ông Phan Trung Lý cho rằng, dự thảo Bộ luật cần có cơ chế cụ thể để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không thực sự cần thiết phải có sự tham gia của Nhà nước thì nên giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện nhằm phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, về nhân lực của xã hội… Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tăng cường công tác quản lý để đưa hoạt động này đi vào nền nếp, ban hành đầy đủ các văn bản quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật hàng hải, thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động hàng hải đáp ứng quá trình hội nhập nhằm thúc đẩy ngành hàng hải phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về biển của nước ta.

Như vậy, dự thảo Bộ luật đã bổ sung thêm một ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với lĩnh vực đóng mới, sửa chữa và hoán cải tàu biển. Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Đoàn ĐB tỉnh Tây Ninh), việc phát sinh thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là để đảm bảo an toàn kỹ thuật cho hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh này cần được quy định ngay trong luật mà không nên giao cho Chính phủ như trong dự thảo. ĐB Tâm cho rằng, quy định như vậy mới tương thích với các luật vừa được ban hành.

Quản lý chặt phá dỡ tàu cũ

Hoạt động phá dỡ tàu cũ vốn đã gây nhiều tranh cãi trong hàng thập kỷ qua xung quanh việc cho phép hay không cho phép. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật đã chính thức cho phép hoạt động này. Theo Ban soạn thảo, hoạt động phá dỡ tàu biển mang lại nguồn nguyên liệu đáng kể cho ngành công nghiệp thép và cơ khí. Đồng thời, hoạt động này cũng tạo việc làm cho lực lượng lao động lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng được nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nặng nề nên cần phải có nhiều quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Hầu hết các ĐB đều bày tỏ sự lo ngại về vấn đề môi trường đối với quy định cho phép tháo dỡ tàu cũ. Cũng theo ĐB Tâm, nếu chỉ nói chung chung là đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật làm sao không ảnh hưởng đến môi trường là chưa đủ. Dự thảo Bộ luật cần đưa và những điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với hoạt động này. Những quy định đảm bảo môi trường phải thật chặt chẽ, sao cho các DN không thể lách luật làm ẩu gây ô nhiễm môi trường thì khắc phục sẽ vô cùng khó khăn.

Còn ĐB Phùng Đức Tiến (Đoàn ĐB tỉnh Hà Nam) cho rằng, vấn đề ô nhiễm từ phá dỡ tàu cũ đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Rất nhiều quốc gia không cho phép hoạt động này được tiến hành trên đất nước mình vì lý do gây ô nhiễm. Do đó, chúng ta cần cân nhắc xem có cho phép phá dỡ tàu hay không? Nếu cho phép thì phải kiểm soát rất ngặt nghèo.

Làm rõ chức năng quản lý nhà nước

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực tế vừa qua tại một khu vực cảng biển có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng việc dư thừa công suất như tại khu vực Cái Mép Thị Vải. Đồng thời, không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng nên không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển.

Hơn nữa, nhiều DN đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình đã tạo ra một sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên.

Dự thảo Bộ luật đã có một điều quy định về Ban quản lý và khai thác cảng. Đây là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng. Tổ chức này cũng được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về cơ bản nhất trí với quy định thành lập Ban quản lý và khai thác cảng như trong dự thảo Bộ luật. Báo cáo nhận định, việc thiết lập cơ quan này để tạo ra một tổ chức có đủ năng lực, trách nhiệm quản lý cảng biển, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay để tăng cường hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cảng biển.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định mô hình này. Trước hết, cần làm rõ về tiêu chí, điều kiện để thành lập Ban quản lý và khai thác cảng, về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ của Ban quản lý và khai thác cảng với Cảng vụ hàng hải, chính quyền địa phương…

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐB tỉnh Lạng Sơn) băn khoăn, Ban quản lý và khai thác cảng là cơ quan quản lý nhà nước mới trong lĩnh vực hàng hải. Vậy cơ quan này có khác gì với cảng vụ hàng không? liệu có phát sinh thêm cơ quan trong các lĩnh vực khác như đường bộ, đường thủy không? Cũng bàn về chức năng của cơ quan trên, một số đại biểu thì cho rằng, cần phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của cơ quan này.

Với lo ngại chồng lấn về chức năng quản lý nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (Đoàn ĐB TP HCM) cho rằng, phí và lệ phí hàng hải thời gian vừa qua quản lý chưa hiệu quả. Nay dự thảo Bộ luật lại giao cho Bộ GTVT là không hợp lý. Hầu hết các loại phí và lệ phí có thể chuyển sang cơ chế giá do Luật Giá điều tiết. Kể cả những nội dung như đào tạo nghề cho thuyền viên cũng nên trả về cho Bộ quản lý về đào tạo nghề chứ không nên giao cho Bộ GTVT.

Box: Nhiều nội dung mới đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) như: điều kiện kinh doanh đối với DN đóng mới, sửa chữa tàu, những quy định để kiểm soát hoạt động phá dỡ tàu cũ…

Không ngại điều kiện kinh doanh mới


Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Luật Đầu tư 2014 sắp có hiệu lực quy định cứng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) quy định lĩnh vực đóng mới, sửa chữa và hoán cải tàu thuộc ngành kinh doanh có điều kiện là bổ sung thêm một ngành kinh doanh có điều kiện mới. Việc có cần điều kiện kinh doanh đối với ngành này không thì Quốc hội vẫn đang đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật.

Tuy nhiên, nếu có quy định trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam sửa đổi thì cũng có thể chấp nhận được. Bởi vì, theo nguyên tắc luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật có hiệu lực sau cao hơn luật trước. Hơn nữa, nếu ngành đóng mới, sửa chữa và hoán cải tàu thực sự cần đảm bảo các nguyên tắc an toàn thì bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Nhưng xuyên suốt cả dự thảo Bộ Luật chúng ta đều thấy một tinh thần cởi mở, tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Chúng tôi cũng đã nhận được một số phản hồi tích vực từ phía DN cả trong và ngoài nước đối với đầu tư vào hàng hải. Các ĐBQH cũng rất quan tâm khi xây dựng các luật mới theo hướng cởi mở và thu hút đầu tư. Chúng tôi luôn cố gắng không để các dự thảo đưa vào những quy định hạn chế cơ hội kinh doanh nói chung, hàng hải nói riêng.

Đúng là trong lĩnh vực hàng hải có một số yêu cầu về kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn. Nếu những điều kiện này có lợi cho DN, cho người dân thì chúng ta không ngại bổ sung. Ngược lại quy định tạo thêm cơ chế xin – cho, tạo gánh nặng cho người dân và DN thì các ĐBQH sẽ có ý kiến để loại bỏ ngay.

Nhiều nội dung cần được quy định ngay trong bộ luật


Đại biểu Trần Ngọc Vinh- Phó trưởng đoàn chuyên trách (Đoàn ĐB TP Hải Phòng):

Hiện nay trong dự thảo Bộ luật vẫn còn tới 27 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tôi cho rằng, quy định như vậy Bộ luật sẽ khó có thể đi vào cuộc sống được. Các đại biểu chúng tôi sẽ cố gắng rà soát thấy điều nào đã rõ ràng trong thực tiễn thì đề nghị đưa vào luật.

Tôi ủng hộ việc Bộ luật mới theo hướng tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. Luật quy định chặt chẽ các điều kiện về kỹ thuật trong đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu sẽ giúp chúng ta sớm phát triển được đội tàu hùng mạnh đủ sức cạnh tranh. Nhưng ngược lại, với việc tháo dỡ tàu cũ cũng phải quy định thật chặt chẽ về bảo đảm môi trường.

Chúng ta cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với các DN vi phạm về môi trường. Kể cả trong lĩnh vực an toàn lao động. Đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu đều là những lĩnh vực có rất nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động.

Vấn đề nguồn nhân lực cho phát triển hàng hải cũng đang là nội dung còn nhiều hạn chế. Tôi đặc biệt lưu ý đến khâu đào tạo nguồn nhân lực cho hàng hải. Chúng ta muốn phát triển hàng hải thì yêu cầu đầu tiên là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều kiện cần và đủ để phát triển hàng hải một cách bền vững.

Bá Tú
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp