Dự thảo lần 1 Thông tư về mạng lưới hoạt động của NHTM: Lúng túng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN (Quyết định 13) về mạng lưới hoạt động của NHTM. Mục đích của quy định này là kiểm soát tốc độ tăng trưởng mạng lưới của các NHTM bằng việc tăng số vốn điều lệ cần đáp ứng khi mở thêm chi nhánh (100 tỉ đồng tương ứng với một chi nhánh ở địa bàn Hà Nội và TPHCM, 50 tỉ đồng tương ứng một chi nhánh ở các địa bàn còn lại). Trước đó, điều kiện mở mạng lưới của các NHTM được xem là quá dễ dãi, Quyết định 888/2005/QĐ-NHNN yêu cầu vốn điều lệ cần để mở thêm một chi nhánh chỉ có 20 tỉ đồng. Mặc dù đã được điều chỉnh, nhưng tốc độ mở rộng mạng lưới của các NHTM mấy năm qua ngày một nhanh, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.

Trụ sở ngân hàng mọc lên như nấm Có những ngân hàng chỉ khoảng 20 điểm giao dịch năm 2008 thì đến nay mạng lưới đã lên đến hàng trăm. Ngân hàng ACB đến ngày 20-7-2011 đã có điểm giao dịch thứ 304, Techcombank là 309, còn với Agribank thì đã có trên 2.300 điểm giao dịch trên cả nước. Điều đáng nói là, với các ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ không đủ để mở nhiều chi nhánh ở Hà Nội và TPHCM, thì hàng trăm phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm đã ra đời, len lỏi vào các ngõ ngách, dày đặc trên các tuyến đường. Thậm chí như Navibank, trong tổng số 22 điểm giao dịch tại TPHCM hiện nay thì họ không có chi nhánh nào, chỉ một sở giao dịch (tại trụ sở chính) và 21 phòng giao dịch.

Đối với phòng giao dịch, cấp tín dụng hiện giới hạn không quá 2 tỉ đồng/khách hàng theo quy định của NHNN, không được thực hiện thanh toán quốc tế. Bên cạnh đó, khi hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20% thì nhiều ngân hàng đã không cho phép phòng giao dịch được cấp tín dụng. Đối với quỹ tiết kiệm thì nghiệp vụ được thực hiện càng đơn giản, chỉ bao gồm huy động tiền gửi tiết kiệm, phát hành và chiết khấu giấy tờ có giá do chính ngân hàng phát hành, chi trả kiều hối, chuyển tiền trong nước, xem như chủ yếu là huy động vốn. Rõ ràng, không thể trông đợi việc cung cấp nhiều dịch vụ đến với khách hàng thông qua các đối tượng này, điều cần thiết của một hệ thống ngân hàng hiện đại. Ngược lại, đây được xem là nguyên nhân gián tiếp đẩy cuộc cạnh tranh huy động vốn của hệ thống ngân hàng trở nên gay gắt như thời gian qua.

Phản ứng lúng túng của NHNN

Trước sự phát triển quá mạnh của mạng lưới các NHTM trong thời gian qua, dù đã có Quyết định 13 điều chỉnh nhưng NHNN buộc phải tìm nhiều cách khác để hạn chế, bao gồm cả cách im lặng, “ngâm” hồ sơ xin mở chi nhánh của các NHTM. Có hồ sơ xin mở chi nhánh của NHTM đã được NHNN chi nhánh và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin đặt chi nhánh thông qua nhưng hàng năm trời vẫn không được chấp thuận từ NHNN. Chi phí cho việc thuê, sửa chữa mặt bằng và nhân sự chuẩn bị hoạt động chi nhánh là hoàn toàn không nhỏ.

Quyết định 13 với nội dung chính là kiểm soát việc mở chi nhánh của NHTM thông qua vốn điều lệ (không ràng buộc tiêu chí này với việc mở phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm…) và yêu cầu đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, còn các điều kiện khác không có nhiều giá trị ràng buộc. Theo yêu cầu của Chính phủ, các ngân hàng đã lần lượt tăng vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu 1.000 tỉ đồng vào cuối năm 2008 và hiện cũng chỉ còn vài ngân hàng chưa đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng. Điều đó khiến yêu cầu về vốn điều lệ khi mở chi nhánh được các NHTM đáp ứng khá dễ dàng. Bên cạnh đó, trước ngày Thông tư 13/2010/TT-NHNN (Thông tư 13) có hiệu lực (1-10-2010), các NHTM thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN, và… tất cả các NHTM đều đáp ứng. Ngay cả các yêu cầu “ngặt nghèo” của Thông tư 13 thì nay các ngân hàng cũng đều đã “vượt qua”.

Để kiểm soát hay nói chính xác hơn là hạn chế việc mở mạng lưới, NHNN đã ban hành thêm nhiều văn bản để điều chỉnh. Ngày 14-12-2009, NHNN đã có Công văn số 8921 tạm dừng việc xem xét cho đăng ký thành lập phòng giao dịch của các NHTM trong năm 2009; ngày 2-2-2010, NHNN tiếp tục có Công văn số 918 quy định việc mở mạng lưới năm 2010, trong đó quy định những ngân hàng nào đã có từ hai chi nhánh ở mỗi địa bàn Hà Nội và TPHCM thì không xem xét cho mở thêm chi nhánh ở hai thành phố này.

Đối với năm 2011, Thống đốc đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ xem xét, xử lý đề nghị mở phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 25-2-2011, hồ sơ gửi đến sau ngày này thì ngừng xem xét.

Quản lý bằng các biện pháp kinh tế: phá sản từ trong ý tưởng Trong dự thảo lần 1 của Thông tư về mạng lưới hoạt động của NHTM để thay thế cho Quyết định 13, NHNN đã có bản giải trình ghi rõ: “Do trước kia, với mục đích khuyến khích các NHTM tăng vốn điều lệ trong khi chưa có cơ chế nào khác để khuyến khích việc này, nên Quyết định 13 đã quy định cần phải có một lượng vốn nhất định để mở thêm chi nhánh. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng đã khá chi tiết, đầy đủ. Do đó, NHNN sẽ quản lý NHTM trên cơ sở các tỷ lệ an toàn trong hoạt động”. Đây thật sự là một định hướng đúng, không chỉ có mạng lưới mà nhiều hoạt động khác của NHTM, NHNN chỉ nên quản lý thông qua các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động, còn vốn điều lệ cũng chỉ là một tiêu chí nhỏ, các NHTM sẽ tự điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp với quy mô hoạt động và nhằm đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn. Quản lý mạng lưới theo quy mô vốn điều lệ là cách quản lý ngược!

Tuy vậy, trong dự thảo lần 2, NHNN đã quay lại với cách quản lý cũ, không có gì mới so với Quyết định 13, đó là các NHTM có được mở thêm chi nhánh hay không phụ thuộc vào quy mô của vốn điều lệ. Chỉ có khác là mức 100 tỉ đồng tương ứng với một chi nhánh ở hai địa bàn Hà Nội và TPHCM đã được nâng lên thành 200 tỉ đồng, trong khi đó vẫn giữ con số 50 tỉ đồng tương ứng với một chi nhánh ở các địa bàn khác.

Việc từ bỏ ý tưởng quản lý mạng lưới của các NHTM thông qua các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động không có cách lý giải nào khác ngoài niềm tin của cơ quan quản lý. Thì ra NHNN cũng không tin các NHTM, không tin rằng những con số mà NHNN nhận được mỗi ngày phản ánh đúng năng lực tài chính, năng lực quản lý và tình hình thực tế hoạt động của các NHTM. Nói theo dân gian thì “nhìn vậy mà không phải vậy”!

Sự thận trọng của NHNN là có cơ sở. Đến thời điểm này thì gần như tất cả các NHTM đều đã đáp ứng những quy định của Thông tư 13, thậm chí nhiều chỉ tiêu vượt rất xa, vậy mà không ai dám khẳng định hệ thống các NHTM Việt Nam là an toàn, là bền vững. Nếu căn cứ vào kết quả này để xét mở mạng lưới thì xem như quy định có cũng như không. Cuối cùng thì vốn điều lệ vẫn là tiêu chí rõ ràng nhất. Muốn hạn chế mở mạng lưới thì cứ nâng 100 tỉ lên thành 200 tỉ, vẫn mở nhiều thì tiếp tục tăng lên thành 300 hay 400, vừa nhanh vừa dễ tính. Kể cũng khó cho NHNN, tất cả cũng bởi sự thiếu minh bạch trong hoạt động của các NHTM mà bản thân NHNN, dù biết rất rõ nhưng vì sự tồn tại của hệ thống, hay vì một lý do nào đó mà đã không giải quyết một cách triệt để.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online