Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) : Những nội dung đáng quan tâm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành những quy định nào chưa chặt chẽ sẽ được thắt lại để tạo một quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật thật rõ ràng, công khai, minh bạch. Và, một trong những nút thắt đó là quy định việc lấy ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết. Thay vì quy định chung chung theo kiểu tất cả các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao đều có trách nhiệm đóng góp ý kiến, lần sửa đổi này, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gói gọn trong 4 Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Ngoại giao). Về quy định này, có ý kiến băn khoăn: Phải chăng cơ quan thẩm tra hơi cực đoan? Trước thì thả lỏng, nay có vẻ lại bó hẹp quá? Tại sao lại là 4 Bộ này, thế còn các Bộ, ngành khác thì sao? Chẳng lẽ không có trách nhiệm gì trong việc tham gia xây dựng pháp luật?… Lý giải cho quy định này, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật lập luận: Sở dĩ phải chọn Bộ này mà không phải Bộ kia tính toán chi li như vậy bởi đưa tất cả vào một rọ thường khó thực hiện. Thà nêu rõ tên một số Bộ mà họ chấp hành nghiêm quy định thì hiệu quả đem lại vẫn hơn. Vả lại, đây là 4 Bộ sẽ bảo đảm cho các quy định của dự thảo luật có tính khả thi và không trái với các cam kết của Việt Nam và quốc tế. 
      
Những sự tính toán chi li đó còn để bảo đảm rằng trong lần sửa đổi, bổ sung này, các quy định của dự thảo luật sẽ không bị rơi vào trong tình trạng luật đã có, nhưng không thực hiện được. Ý tưởng là thế, song đi vào một số nội dung cụ thể, cách thể hiện, cách chỉnh lý, tiếp thu của cơ quan thẩm tra dường như chưa toát lên được ý tưởng đó. Thậm chí, một số quy định trong dự thảo Luật nếu được thông qua, thì những hạn chế không nên để tồn tại thêm nữa trong công tác xây dựng pháp luật vẫn có nguy cơ tiếp diễn.
      
Đối diện với các văn bản pháp luật ở Việt Nam chẳng khác nào đi vào rừng rậm- Chuyên gia Sacott Jacobs (Hoa Kỳ) đã sử dụng hình ảnh như thế để mô tả về một trong những điểm yếu của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay- rườm rà và khó phân biệt. Cùng là Nghị quyết, nhưng Nghị quyết này được ban hành dưới hình thức một văn bản có chứa quy phạm pháp luật, nhưng Nghị quyết khác lại chỉ đơn thuần là một văn bản mang tính chất điều hành nội bộ ở một cơ quan, tổ chức nào đó. Không phải là một khuyến nghị mang tính chất phát hiện, nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế quốc tế thì dường như việc giải quyết điểm yếu này trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Khu rừng rậm nên được tổ chức thành những khu vườn đẹp- chuyên gia Sacott Jacobs tha thiết khuyến nghị- và lần sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là cơ hội tốt để thực hiện ý tưởng đó. Tất nhiên, những khu vườn mà chuyên gia Sacott Jacobs muốn nói đến ở đây không đơn giản chỉ là sự sắp xếp cơ học các dự án luật cùng chung lĩnh vực lại với nhau- một công việc mà các Bộ, ngành vẫn đang tiến hành. Theo cảm nhận chung của không ít những người quan tâm đến dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) là nên chú trọng đến việc quy hoạch các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam (hay còn gọi là pháp điển hóa hệ thống pháp luật). Pháp điển hóa hệ thống pháp luật đã được thể hiện trong dự thảo luật và mới dừng ở mức yêu cầu có sự thống kê, tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực… 
     
Không chỉ có thế, mà vẫn còn bất hợp lý của một số quy định trong dự thảo luật. Đồng ý là dự thảo luật đã được sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham gia quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng, nguyên Chủ nhiệm Vũ Đức Khiển vẫn thấy có độ chênh giữa thực tế và một số quy định trong dự thảo luật. Liên quan đến việc UBTVQH cho ý kiến vào các dự thảo luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết, lần sửa đổi này vẫn với cách đặt vấn đề như luật hiện hành (có cải tiến theo hướng đại diện cơ quan trình tóm tắt những nội dung cơ bản cần xin ý kiến của dự thảo luật và cơ quan thẩm tra có trách nhiệm khoanh vùng những nội dung để UBTVQH cho ý kiến) là UBTVQH phải cho ý kiến vào tất cả các dự thảo luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết. Với hy vọng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải là luật mẫu, dự thảo luật phải được đầu tư công phu hơn nữa. QH đang ngày càng đẩy nhanh tốc độ và chất lượng lập pháp để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Nhưng, cũng cần nghĩ đến chiều ngược lại: Phải đưa cuộc sống vào luật.

Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân