Dự thảo luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời thường phải gắn với các vụ việc cụ thể

Về bản chất, các biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp can thiệp và có ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới các quyền tài sản và/hoặc quyền nhân thân của tổ chức, cá nhân liên quan trong khi chưa có quyết định chính thức cuối cùng từ cơ quan tài phán hoặc cơ quan có thẩm quyền về các quyền và nghĩa vụ cụ thể theo pháp luật (tức là chưa có căn cứ chắc chắn cho việc can thiệp quyền).

Do đó, từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cần hết sức thận trọng và chặt chẽ.

Đây có lẽ là lý do tại sao cho đến nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, biện pháp khẩn cấp tạm thời phần lớn chỉ được áp dụng như là các biện pháp có tính ngăn chặn, được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp, trong một vụ việc cụ thể (dân sự hoặc hình sự), với mục đích là nhằm xử lý các quyền và lợi ích hợp pháp cấp bách hoặc hạn chế tối đa thiệt hại đối với các bên có quyền và lợi ích liên quan khi vụ việc được xử lý chính thức theo pháp luật.

Theo cách này, bên yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời phần lớn chỉ có thể đưa ra yêu cầu trong quá trình xử lý vụ việc (dân sự hoặc hình sự) hoặc khi nộp đơn kiện.

Nói cách khác, biện pháp khẩn cấp tạm thời thường phải gắn với các vụ việc cụ thể, đã được đưa ra trước cơ quan tài phán có thẩm quyền (tòa án, trọng tài) để xem xét các quyền và lợi ích theo quy định pháp luật.

Việc khởi kiện có thể coi là một dấu hiệu rõ ràng về tính nghiêm túc của chủ thể yêu cầu cũng như các bằng chứng xác thực ban đầu về các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong vụ việc, do đó giảm bớt đáng kể mức độ rủi ro, khả năng bị lạm dụng và ảnh hưởng bất lợi đối với các tổ chức, cá nhân liên quan của các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Vì vậy, VCCI cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện mà không gắn với các vụ việc cụ thể (chưa khởi kiện, sau đó cũng không có ý định khởi kiện) rất đặc biệt thận trọng và chỉ giới hạn ở các trường hợp hãn hữu.

Cách tiếp cận rất mở có thể dẫn tới nguy cơ bị lạm dụng

Trong khi đó, Dự thảo Luật hiện lại có cách tiếp cận rất rộng, rất thoáng về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, theo hướng: Không có ràng buộc gì về một vụ kiện sau đó (do đó không phải là biện pháp tiền tố tụng);

Không có giới hạn nào về các lĩnh vực/vấn đề có thể yêu cầu áp dụng (tất cả các lĩnh vực thương mại, dân sự đều có thể được yêu cầu); các điều kiện áp dụng không có gì khác biệt so với các điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng (điều kiện tương đương, không có điều kiện bổ sung nào theo hướng chặt chẽ hơn).

Các chuyên gia của VCCI cho rằng, từ góc độ hoạt động thương mại, kinh doanh, cách tiếp cận rất mở này của Dự thảo gây quan ngại đặc biệt bởi nguy cơ bị lạm dụng. Cụ thể, bất kỳ chủ thể kinh doanh nào với các bằng chứng tối thiểu và với một khoản bảo đảm nhất định, đều có thể yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với đối thủ cạnh tranh của mình, nếu muốn, mà không nhất thiết phải có ý định nghiêm túc về việc kiện sau đó.

Trong khi đó, một chủ thể kinh doanh phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu có mâu thuẫn hay cạnh tranh với tổ chức, cá nhân khác (ngay cả khi đối thủ cạnh tranh không có đủ căn cứ pháp lý chắc chắn, xác thực).

Ngay cả khi biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khởi kiện bị tòa án từ chối thì chỉ với việc có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, uy tín và giá trị thương hiệu của một doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đáng chú ý là trong mọi trường hợp thì việc đòi bồi thường sau đó nếu xác định biện pháp khẩn cấp tạm thời là không phù hợp cũng rất khó khăn, mất thời gian và công sức của bên bị thiệt hại, đồng thời nhiều trường hợp khoản bảo đảm không thể bù đắp nổi các giá trị vô hình về uy tín đã bị ảnh hưởng hoặc mất đi do biện pháp khẩn cấp tạm thời này.

Cần thiết trong một số trường hợp đặc thù

Trao đổi tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cuối tháng 3 vừa rồi cho thấy, về mặt pháp lý và thực tiễn, đúng là đang có một khoảng trống pháp lý cần thiết phải được lấp đầy liên quan tới các biện pháp có tính ngăn chặn trong các trường hợp đặc thù, cấp bách cần thực hiện ngay kể cả khi chưa có vụ việc chính thức tại tòa án.

Điều đó để bảo vệ các chủ thể yếu thế trong các mối quan hệ xã hội đặc biệt nhạy cảm, ví như các đối tượng bị thiệt hại trong các vụ việc bạo lực gia đình, cấp dưỡng trẻ em, người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động nợ lương, bỏ trốn ra nước ngoài…

Đối với các trường hợp rất đặc thù này, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện có thể là rất cần thiết và cần được cân nhắc bổ sung quy định đáp ứng nhu cầu xã hội.

“Với các lý do như nêu trên, đề nghị Quý Cơ quan có cách tiếp cận thận trọng với Dự Luật này, theo hướng cần nghiên cứu kỹ hơn về tác động dự kiến của Dự Luật với đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như hiện nay, qua đó xác định có nên hay không nên cho phép các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khởi kiện.

Cần đánh giá đầy đủ hơn về tác động của Dự Luật ở từng khía cạnh khác nhau của hoạt động kinh tế, xã hội, qua đó làm rõ ở lĩnh vực nào các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khởi kiện là cần thiết, ở lĩnh vực nào là không cần thiết và có nguy cơ lạm dụng cao” – VCCI nhấn mạnh.

Theo Báo Điện tử Pháp luật Việt Nam plus