Dự thảo Luật Đấu giá tài sản: Tăng cường tính minh bạch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Quản lý chặt tiền đặt trước

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những thay đổi quan trọng của Dự thảo Luật Đấu giá tài sản so với pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản là quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước. Theo Nghị định 17/2010, người tham gia đấu giá nộp trực tiếp tiền mặt cho tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, với những lô tài sản giá trị lớn, số tiền đặt cọc lên đến hàng chục tỷ đồng đã xuất hiện tình trạng tổ chức đấu giá giữ tiền đặt cọc hàng tháng trời, gửi tiết kiệm lấy lãi, gây khiếu kiện bức xúc. 

Để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản, phù hợp với các quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản xác định, tiền đặt trước được nộp vào tài khoản ký quỹ tại tổ chức tín dụng. Các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Tuy vậy, việc đấu giá tài sản tại các vùng sâu, vùng xa, nơi việc giao dịch qua tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn, đối với khoản tiền đặt trước có giá trị nhỏ dưới 5 triệu đồng, Dự thảo quy định “mở” cho phép người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định tổ chức đấu giá chỉ được thu tiền đặt trước tối đa 4 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá và phải trả lại cho người tham gia đấu giá trong trường hợp được trả lại trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc bán đấu giá. Số tiền đặt trước từ 5% đến 20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá thay cho mức từ 1% đến 15% như quy định của pháp luật hiện hành.

Mặc dù có ý kiến cho rằng không cần thiết phải đặt cọc song theo ông Trần Thanh Cường, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Phòng, khoản tiền này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia đấu giá, hạn chế đối tượng không thực sự có nhu cầu nhưng vẫn tham gia để trục lợi, gây khó khăn cho cuộc đấu giá. Ví dụ, nếu đấu giá từ thiện mà không có tiền đặt cọc, khi người trúng đấu giá từ chối mua, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không rõ sẽ thuộc về ai.

Bổ sung phương thức bán đấu giá bằng bỏ phiếu

Trước hiện tượng “cò” đấu giá, liên kết với nhau để thông đồng, dìm giá hay người tham gia đấu giá bị tác động, khống chế khi trả giá, ngoài hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, Dự thảo bổ sung phương thức bán đấu giá bằng bỏ phiếu. Theo đó, cách thức tiến hành bỏ phiếu sẽ được tổ chức đấu giá hoặc đấu giá viên thỏa thuận với người có tài sản đấu giá. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Dự thảo không quy định rõ trường hợp bắt buộc phải bỏ phiếu kín sẽ khó hạn chế được hiện tượng thông đồng không lựa chọn hình thức đấu giá này cũng như khó kiểm soát tính chính xác của lá phiếu.

Đối với trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp quy định tại Điều 39, các chuyên gia kiến nghị, tổ chức đấu giá phải lập sổ theo dõi riêng đối với các thư phiếu, có sự giám sát chặt chẽ từ khâu nhận thư phiếu đến khi vào sổ, bỏ thư vào hòm phiếu, các thư phiếu phải còn nguyên vẹn, được giữ bí mật tuyệt đối cho đến lúc mở hòm phiếu và mở thư.

 Tổ chức đấu giá qua mạng là một trong những hình thức đấu giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ trình độ cán bộ và người tham gia đấu giá tới cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, phần mềm nhưng nếu thực hiện được sẽ mang lại ưu thế tuyệt đối so với các biện pháp khác. Tuy nhiên, Dự thảo lại bỏ sót hình thức đấu giá này.

Ngoài hình thức bán đấu giá tài sản theo phương thức trả giá lên như Nghị định số 17/2010, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản bổ sung hình thức đấu giá theo phương thức đặt giá xuống. Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai nhận định, quy định này nhằm tạo cơ chế linh hoạt, phù hợp với bán đấu giá tài sản của tổ chức, cá nhân tự nguyện xử lý tài sản của mình bằng hình thức đấu giá. Phương thức này giúp tài sản bán đấu giá nhanh nhất và tiết kiệm thời gian, chi phí. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện tại trên thế giới có nhiều phương thức đấu giá khác nhau bao gồm cả phương thức đấu giá tuyệt đối. Dự thảo chỉ quy định hai loại trả giá lên và đặt giá xuống vô hình trung đã “trói” doanh nghiệp và người tham gia đấu giá, do vậy, nên chăng, mở rộng nhiều phương thức để hoạt động bán đấu giá được thuận lợi và phù hợp hơn với thực tiễn.

Dương Cầm
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân