Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Quy định về mua lại cổ phần cần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo lần 5 Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hiện đang lấy ý kiến rộng rãi trong công chúng được kỳ vọng là sẽ tạo ra những bước đột phá mới trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh, phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị công ty hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của đất nước, đã có khá nhiều quy định mới nhằm thay thế, bổ sung và sửa đổi các quy định chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tuy nhiên, theo chúng tôi, các quy định trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này vẫn tiếp tục cần có sự phân tích, đánh giá một cách khoa học cả về mặt lý luận và thực tiễn để có những chỉnh sửa phù hợp với thực tế sinh động, nhu cầu phát triển của nền kinh tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, có các quy định liên quan đến hoạt động mua lại cổ phần của CTCP tại các Điều 133, 134 và 135 của Dự thảo. Chúng tôi sẽ làm rõ một số vấn đề lý luận liên quan đến giao dịch cổ phiếu quỹ trên thị trường chứng khoán (TTCK), phân tích một số điểm bất cập của các quy định vừa nêu trong Dự thảo để có những kiến nghị, đề xuất hoàn thiện.

1. Nhận diện cổ phiếu quỹ và giao dịch cổ phiếu quỹ

Khái niệm cổ phiếu quỹ (hay cổ phiếu ngân quỹ) lần đầu tiên được các nhà làm luật Việt Nam đưa ra tại Khoản 19, Điều 2 của Quy chế thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 79/2000/QĐ-UBCK của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 29/12/2000. Theo đó, “cổ phiếu ngân quỹ là cổ phiếu đã phát hành và được mua, bán lại trên TTCK bởi chính các tổ chức phát hành”. Khái niệm này đã không phản ánh đúng bản chất của cổ phiếu quỹ và dễ dẫn đến sự hiểu nhầm của các tổ chức phát hành là việc mua bán cổ phiếu do chính công ty đã phát hành trên TTCK là một hành vi kinh doanh. Điều này nguy hiểm ở chỗ, bản thân tổ chức phát hành sẽ cạnh tranh với các nhà đầu tư để kiếm lời trong điều kiện hoàn toàn không bình đẳng về thông tin và cả tiềm lực tài chính, trái với nguyên tắc minh bạch và công bằng của TTCK. Mặt khác, nếu tổ chức phát hành kinh doanh kiếm lời trên chính cổ phiếu của mình sẽ làm sai lệch mục đích và định hướng phát triển của TTCK là thu hút các doanh nghiệp phát hành và niêm yết cổ phiếu để huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhận thức được hạn chế đó, Nghị định số 144/2003/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán và TTCK ngày 12/11/2003 đã quy định: “Cổ phiếu quỹ là loại cổ phiếu đã phát hành và được tổ chức phát hành mua lại trên TTCK”[1]. Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán lại đưa ra khái niệm cổ phiếu quỹ như sau: “ Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã được phát hành bởi CTCP và được mua lại bởi chính tổ chức phát hành đó”. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ngoài việc bổ sung thuật ngữ “CTCP” để làm rõ hơn chủ thể đã phát hành cổ phiếu và trực tiếp thực hiện mua lại chúng, về bản chất, hai khái niệm nêu trên không có sự khác biệt. Dưới góc độ kế toán, “cổ phiếu quỹ là cổ phiếu được mua lại bởi chính công ty phát hành, nhưng không nhằm mục đích hủy bỏ và sẽ được phát hành trở lại sau một thời gian theo quy định của pháp luật về chứng khoán”[2].

Từ những khái niệm trên, có thể thấy, cổ phiếu quỹ có những đặc điểm sau:

Một là, cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã bán và được chính CTCP mua lại. Cổ phiếu đã bán “là cổ phiếu đã được nhà đầu tư thanh toán đầy đủ và những thông tin về người sở hữu được ghi đúng, ghi đủ vào sổ đăng ký cổ đông”[3]. Tại Khoản 2 Điều 115 của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng có quy định tương tự, theo đó, “Cổ phần đã bán là số cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua”. Như vậy, có thể thấy, chủ thể tham gia mua cổ phiếu trong trường hợp này là chính CTCP đã bán chúng trước đây. Chủ thể bán là các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu của công ty. Để tránh trường hợp CTCP “ép giá” nhà đầu tư và lạm dụng việc mua lại cổ phiếu để gây thiệt hại cho cổ đông, pháp luật nhiều nước có quy định rất rõ về điều kiện, trình tự, thủ tục mua lại[4].

Hai là, cổ phiếu quỹ không phải là một loại chứng khoán mới của CTCP. Về nguyên tắc, CTCP có thể mua cổ phiếu phổ thông hoặc cổ phiếu ưu đãi làm cổ phiếu quỹ. Do đó, cổ phiếu quỹ không phải là một loại cổ phiếu độc lập với những tính chất riêng biệt, mà khi nói đến cổ phiếu quỹ là nói đến tình trạng của cổ phiếu phổ thông hoặc ưu đãi sau khi đã được CTCP mua lại. Theo quy định của pháp luật nhiều nước trên thế giới, CTCP có thể xử lý cổ phiếu quỹ trong một khoảng thời gian nhất định theo hình thức bán lại trên thị trường hoặc hủy đi để giảm vốn điều lệ. Ngoài ra, cổ phiếu quỹ còn có thể được CTCP phân phối lại cho các cổ đông hiện hữu dưới hình thức cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng.

Ba là, việc CTCP mua lại cổ phiếu của mình làm cổ phiếu quỹ không phải là hành vi kinh doanh. Bởi lẽ, nếu để CTCP kinh doanh trên chính cổ phiếu của mình thì như đã nói trên, sẽ tạo ra một môi trường đầu tư không bình đẳng và TTCK sẽ không thực hiện đúng vai trò là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Chính vì vậy, pháp luật của nhiều nước quy định khá chặt chẽ về nguyên tắc hạch toán khi giao dịch cổ phiếu quỹ. Việc hạch toán đối với giao dịch cổ phiếu quỹ bao gồm giao dịch mua và các giao dịch tái phát hành (bán lại) được thực hiện theo hai phương thức: hạch toán theo giá vốn và hạch toán theo mệnh giá và việc chọn áp dụng theo cách nào là tùy thuộc vào quan niệm hay chủ trương của doanh nghiệp[5]. Nguyên tắc hạch toán cổ phiếu quỹ được thực hiện như sau: phần chênh lệch tăng hay giảm từ các giao dịch cổ phiếu quỹ sẽ được hạch toán thẳng vào phần “thặng dư vốn”[6] và làm tăng, giảm trực tiếp vốn cổ phần của CTCP mà không phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong trường hợp việc bán lại cổ phiếu quỹ với giá thấp hơn giá khi mua vào vượt quá giá trị còn lại của tài khoản thặng dự vốn thì các CTCP sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận giữ lại để tài trợ cho khoản còn lại mà không phản ánh dưới dạng số âm cho tài khoản thặng dự vốn[7]. Từ đó cho thấy, nếu chênh lệch phát sinh từ giao dịch cổ phiếu quỹ là số dương thì khoản chênh lệch này sẽ không được xem là lợi nhuận; ngược lại, nếu là số âm thì cũng không được xem là khoản lỗ của công ty. Với cách hạch toán này, các nhà làm luật trên thế giới đã không xem giao dịch cổ phiếu quỹ là một hành vi kinh doanh của CTCP trên chính cổ phiếu của mình.

Bốn là, cổ phiếu quỹ không được xem là tài sản của CTCP mà chỉ là một công cụ giúp CTCP tái cấu trúc lại vốn. Một nguyên tắc phổ biến hiện nay trên thế giới là CTCP không được sở hữu cổ phiếu của chính nó. Quan điểm này cũng được các nhà làm luật Thái Lan thể hiện rất rõ trong Luật CTCP của Vương quốc Thái Lan số B.E.2535 tại Điều 66: “Công ty không sở hữu cổ phần của chính nó hoặc dùng cổ phiếu để cầm cố”. Cổ phiếu quỹ là một bộ phận trong cấu trúc vốn của công ty, không phải là tài sản của công ty và cũng không được xem như là một loại hàng hóa để công ty kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận. Cổ phiếu quỹ được xem là một công cụ để cấu trúc lại vốn của công ty chứ không phải là một tài sản thuộc sở hữu công ty[8]. Chính vì vậy, pháp luật nhiều nước quy định, cổ phiếu quỹ không phát sinh quyền biểu quyết và không được tính vào số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, không được chi trả cổ tức trên cổ phiếu quỹ[9]. Điều đó cũng có nghĩa là cổ phiếu quỹ bị trừ ra khỏi số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

2. Đánh giá các quy định trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) về mua lại cổ phần

Việc quy định các trường hợp CTCP được mua lại cổ phần của công ty và điều kiện thanh toán, xử lý các cổ phần mua lại được các nhà làm luật Việt Nam quan tâm cách đây 15 năm. Lần đầu tiên, các quy định điều chỉnh hoạt động mua lại cổ phần của CTCP được Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định tại các Điều 64, 65 và 66. Có thể nói, các quy định này còn sơ khai và khá chung chung, rất khó áp dụng. Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra đời – trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị tích cực cho quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới – được xem là cơ sở pháp lý quan trọng tạo ra những bước đột phá trong môi trường kinh doanh, từng bước tiếp cận và phù hợp với thông lệ quốc tế, đã có những quy định chi tiết hơn về hoạt động mua lại cổ phần của CTCP. Nội dung các quy định này tập trung điều chỉnh các quan hệ phát sinh khi CTCP mua lại cổ phần của chính công ty theo các trường hợp: theo yêu cầu của cổ đông (Điều 90) và theo quyết định của công ty (Điều 91). Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng quy định tương đối cụ thể điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần đã được mua lại (Điều 91). Nhìn chung, các quy định này là hết sức cần thiết và đáp ứng nhu cầu tạo ra một môi trường kinh doanh tự chủ, minh bạch trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông và của bản thân CTCP. Trong thời gian qua, các quy định này đã góp phần tạo dựng cơ sở pháp lý quan trọng để CTCP có thể thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ, đặc biệt là khi TTCK đã đi vào hoạt động và đang từng bước phát triển. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tiếp tục dành sự quan tâm cho các quy định về mua lại cổ phần của CTCP. Điều này thể hiện ở chỗ, trong Dự thảo đã có 3 điều để quy định về hoạt động mua lại cổ phần của CTCP và điều kiện thanh toán, xử lý các cổ phần mua lại (Điều 133, Điều 134 và Điều 135). Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, các quy định về mua lại cổ phần tại các Điều 133 và Điều 134 là giữ nguyên như nội dung quy định tại các Điều 90 và 91 trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 về điều kiện, thủ tục mua lại cổ phần trong trường hợp theo yêu cầu của cổ đông và theo quyết định của công ty.

Sự khác biệt duy nhất được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 135 của Dự thảo thay thế Khoản 2 Điều 92 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 liên quan đến việc xử lý cổ phần sau khi CTCP được mua lại. Theo đó, “Cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 133 và Điều 134 Luật này được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại khoản 4 Điều 115 Luật này. Công ty phải làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn năm ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác”. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 92 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 lại quy định: “Cổ phần được mua lại theo quyết định tại Điều 90 và Điều 91 của Luật này được coi là số cổ phần thu về và thuộc số cổ phần được quyền chào bán” và không buộc phải hủy số cổ phần đã mua lại để giảm vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 92 có quy định: “Cổ phiếu xác nhận cổ phần đã mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ”. Lý do hủy là xuất phát từ việc số cổ phần đã mua vào đã bị trừ ra khỏi số lượng cổ phần đang lưu hành và đang thuộc diện “được quyền chào bán”, trong khi cổ phiếu là hình thức xác nhận cổ phần, cổ phần lưu thông thông qua việc giao dịch cổ phiếu, vì vậy, quy định này nhằm mục đích ngăn chặn việc tham gia lưu thông của những cổ phần đã được mua vào.

Như vậy, nếu Luật Doanh nghiệp năm 2005 xem số cổ phần sau khi đã được CTCP mua lại thuộc diện “số cổ phần được quyền chào bán” thì Dự thảo lại xem các cổ phần này là “chưa bán”. Sự khác biệt ở đây là theo cách tiếp cận của Luật Doanh nghiệp năm 2005, số cổ phần mua lại được xem là số cổ phần được quyền chào bán nên công ty có thể tiến hành bán lại trên thị trường hoặc phân phối lại cho cổ đông hiện hữu dưới hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng. Do đó, số cổ phần này vẫn đang còn hiện diện trong vốn điều lệ nhưng lại bị trừ ra khỏi số lượng cổ phiếu đang lưu hành nên có nguy cơ gây nên một phần “ảo” trong vốn điều lệ của công ty. Trong cách tiếp cận mới của Dự thảo là xem số cổ phần mua lại là số cổ phần “chưa bán” và buộc công ty phải hủy số cổ phần này, đồng thời làm thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong một khoảng thời gian nhất định (theo Dự thảo là 5 ngày, kể từ ngày hoàn tất việc mua lại). Bằng cách này, các nhà làm luật hy vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng vốn “điều lệ ảo” khi CTCP mua lại cổ phần của mình. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định này là một bước thụt lùi, vô hình trung đã làm triệt tiêu hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ của các CTCP vốn được xem là một công cụ tái cấu trúc vốn, thông qua đó, nguồn vốn của doanh nghiệp được sử dụng một cách hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho các cổ đông[10] và góp phần giúp cho hoạt động của TTCK sôi động. Nghiên cứu thực tiễn mua lại cổ phần ở các nước trên thế giới cho thấy, khi một CTCP thực hiện mua lại cổ phiếu do chính công ty phát hành để thực hiện các mục tiêu sau đây: một là, để giảm vốn điều lệ bằng cách hủy các cổ phiếu đã mua vào; hai là, bán lại trên thị trường hoặc phân phối cho các cổ đông hiện hữu. Với cách quy định như trong Dự thảo thì CTCP sau khi mua lại cổ phần chỉ có một con đường và một mục đích duy nhất là giảm vốn điều lệ. Cánh cửa tìm đến mục tiêu thứ hai đã bị các nhà soạn thảo Dự thảo khép lại. Điều này có nguy cơ đặt hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ không nằm trong “vùng phủ sóng” của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của TTCK và làm mất đi một công cụ quan trọng của CTCP trong quá trình tái cấu trúc lại các nguồn vốn của mình.

Trong khi đó, thực tế đã cho thấy, hoạt động mua và bán cổ phiếu của CTCP (tức giao dịch cổ phiếu quỹ) đã được pháp luật của nhiều nước thừa nhận và điều chỉnh. Tại Việt Nam, nguyên tắc điều chỉnh hoạt động mua bán cổ phiếu quỹ của các CTCP đại chúng được Luật Chứng khoán năm 2006 quy định khá rõ ràng tại Điều 30. Theo đó, công ty đại chúng chưa niêm yết cổ phiếu trên TTCK mua lại cổ phiếu đã phát hành của công theo quy định tại Điều 90, 91 và 92 của Luật Doanh nghiệp[11]; các công ty có cổ phiếu niêm yết trên TTCK sẽ theo quy định của pháp luật chứng khoán. Để cụ thể nguyên tắc này của Luật Chứng khoán năm 2006, Nghị định 58/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/07/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán quy định điều kiện mua lại cổ phiếu (Điều 37), các trường hợp không được mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ (Điều 38), điều kiện bán cổ phiếu quỹ (Điều 39). Để tiếp tục hướng dẫn một cách chi tiết thi hành các quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ trên TTCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 130/2012/TT-BTC ngày 10/8/2012 về hướng dẫn mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng. Trên nền tảng khung pháp lý đã được xác lập tương đối đầy đủ, hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ trên TTCK của các công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết diễn ra khá sôi động và đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của TTCK Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát huy tối đa quyền tự chủ của doanh nghiệp, trong đó có CTCP, trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực hợp pháp để phát triển công ty cũng như định hướng phát triển TTCK ở nước ta là “chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế”[12]. Theo các chuyên gia, khi một CTCP mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ, CTCP thường hướng tới các mục đích như sau: tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty; làm tăng thu nhập trên mỗi cổ phần do lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm xuống; tìm kiếm thặng dư vốn khi công ty bán lại cổ phiếu đã mua với giá cao hơn lúc mua vào; hoặc để làm nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu hay thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu[13]

Tham khảo kinh nghiệm lập pháp một số nước cho thấy, các nhà làm luật thường chia thành hai trường hợp khi xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động mua lại cổ phần của CTCP tùy thuộc vào mục đích mua lại. Trường hợp thứ nhất, nếu CTCP mua lại cổ phần để giảm vốn điều lệ thì công ty phải hủy số cổ phần đã mua và tiến hành điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo cách mà Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang tiếp cận. Trường hợp thứ hai, nếu CTCP mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ thì số cổ phiếu này không bị hủy đi mà công ty sẽ bán lại trên thị trường hoặc phân phối cho cổ đông dưới hình thức cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng trong một khoảng thời gian nhất định, thường là sáu tháng hoặc một năm[14]. Trong thời hạn này, nếu CTCP không thực hiện bán lại cổ phiếu quỹ trên thị trường hoặc phân phối cho cổ đông hiện hữu thì số cổ phiếu này sẽ bị hủy bỏ để giảm vốn điều lệ. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 72 Luật về CTCP của Liên bang Nga năm 1995 và được sửa đổi, bổ sung nhiều lần sau đó, thì CTCP mua lại cổ phần theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông nhằm mục đích giảm vốn điều lệ phải hủy bỏ số cổ phần đã mua ngay sau khi kết thúc việc mua lại; CTCP phải bán cổ phiếu quỹ không thấp hơn giá trị thị trường trong thời hạn một năm, kể từ ngày mua lại, trường hợp không thực hiện bán ra trong thời hạn nêu trên thì Đại hội đồng cổ đông của CTCP phải thông qua quyết định về việc hủy các cổ phiếu quỹ này để giảm vốn điều lệ[15].

Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận của các nhà làm luật Liên bang Nga trong trường hợp này hoàn toàn có thể được nghiên cứu và xem xét một cách nghiêm túc để rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam. Việc phân ra hai trường hợp để hình thành các quy định điều chỉnh hoạt động mua lại cổ phần của CTCP là khá hợp lý và tạo ra những sự lựa chọn và linh hoạt nhất định cho CTCP. Đồng thời, bằng cách này, chúng ta vẫn có thể kiểm soát và ngăn chặn việc sử dụng mua cổ phần để tạo nên “vốn điều lệ ảo” cũng như tạo cơ sở pháp lý để CTCP thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ – một hoạt động khá phổ biến, sôi động trên TTCK và đã được pháp luật chứng khoán thừa nhận và điều chỉnh.

3. Kiến nghị và kết luận

Qua phân tích trên cho thấy, cần có sự đánh giá một cách nghiêm túc và kỹ lưỡng khi xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động mua cổ phần của CTCP trong Dự thảo Luật Doanh nhiệp (sửa đổi). Các quy định này, một mặt, vừa phải đảm bảo tính chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa việc mua lại cổ phiếu của CTCP không ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn vốn của công ty, trong đó bao gồm cả nguy cơ làm phát sinh “vốn điều lệ ảo”; mặt khác, các quy định này cũng phải tạo ra một cơ hội sử dụng các nguồn vốn một cách linh hoạt, chủ động để mang lại cho các cổ đông những lợi ích tốt nhất và tạo nên sự đa dạng trong giao dịch trên TTCK, trong đó có giao dịch cổ phiếu quỹ. Từ quan điểm như vậy, chúng tôi cho rằng, Khoản 2 Điều 135 của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên bổ sung quy định sau: “Trong trường hợp CTCP mua cổ phần nhằm mục đích bán lại hoặc để phân phối cho các cổ đông hiện hữu thì việc bán lại hoặc phân phối cho cổ đông hiện hữu chỉ được thực hiện sau sáu tháng, kể từ thời điểm kết thúc đợt mua lại. Số cổ phần mua lại được coi là số cổ phần chưa bán và không thuộc số cổ phần đang lưu hành của công ty”. Nếu được bổ sung, quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để CTCP thực hiện hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ, đồng thời giúp cho Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật chứng khoán cũng như phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Qua đó, góp phần tháo gỡ những “vướng mắc, hạn chế đối với hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng”[16] theo hướng khuyến khích và nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng các nguồn vốn và tạo điều kiện để TTCK tiếp tục phát triển./.


[1] Xem Khoản 4 Điều 3, Nghị định 144/2003/NĐ-CP.

[2] Nguyễn Thị Mai Anh, Làm rõ bản chất và phương pháp kế toán cổ phiếu quỹ trong các CTCP, xem tại:http://www.khoahockiemtoan.vn/Category.aspx?newsID=291 (truy cập ngày 27/04/2014).

[3] Khoản 5 Điều 2, Nghị định 58/2012/NĐ-CP.

[4] Tại Việt Nam, điều kiện, trình tự và thủ tục mua cổ phiếu quỹ được quy định chi tiết từ Điều 3 đến Điều 10 của Thông tư 130/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 10/08/2012 hướng dẫn mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng.

[5]Chi tiết xem: Huy Nam, Cổ phiếu quỹ: có thể lợi bất cập hại, tại: http://www.abs.vn/news.aspx?newsid=186149&group=MarketUpdate (truy cập ngày 23/4/2014).

[6] Thặngdưvốncổphầnlà một phần vốn thuộc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Thặng dư vốn cổ phần chính là chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu với giá thực tế phát hành. Thặng dư vốn cổ phần = (Giá phát hành cổ phần – Mệnh giá) x Số lượng cổ phần phát hành. Thặng dư cổ phần cũng là tài khoản dùng để ghi nhận khoản chênh lệch khi bán cổ phiếu quỹ (tái phát hành cổ phiếu quỹ) so với giá cổ phiếu quỹ khi mua vào trước đó. Trong trường hợp bán cổ phiếu quỹ: Thặng dư vốn cổ phần = (Giá bán bình quân gia quyền – Giá mua bình quân gia quyền) x Số lượng cổ phiếu quỹ bán ra. Thặng dư vốn cổ phần có thể được dùng để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn cổ phần… và do Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị quyết định. Xem tại: http://www.bfinance.vn/ke-toan-kiem-toan/thang-du-von-co-phan.aspx (truy cập ngày 24/4/2014).

[7] Phan Thị Tường Tâm (2002), Một số giải pháp cơ bản nhằm quản lý và giao dịch cổ phiếu quỹ trên TTCK Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Đề tài khoa học cấp cơ sở, tr. 19.

[8] Chi tiết, xem: Huy Nam (2012), Cổ phiếu quỹ là thứ vô giá trị, Tạp chí Đầu tư chứng khoán (bản điện tử), xem tại: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/co-phieu-quy-la-thu-vo-gia-tri-28023.html (truy cập ngày 23/4/2014).

[9] Xem: Khoản 3 Điều 72, Luật về CTCP của Liên bang Nga do Duma Quốc gia Nga thông qua ngày 26/12/1995.

[10] Nguyễn Thị Mai Anh, Tlđd, tại: http://www.khoahockiemtoan.vn/Category.aspx?newsID=291 (truy cập ngày 27/4/2014).

[11] Tại các Điều 90, 91 và 92 Luật Doanh nghiệp năm 2005 sử dụng thuật ngữ “mua lại cổ phần” trong khi đó, Luật Chứng khoán năm 2006 và Thông tư 130 lại sử dụng thuật ngữ “mua lại cổ phiếu” và khi CTCP mua lại cổ phiếu của chính công ty thì gọi là “mua cổ phiếu quỹ”, cả hoạt động mua và bán thì gọi là “giao dịch cổ phiếu quỹ”. Chúng tôi cho rằng, về bản chất, cổ phiếu là hình thức xác nhận cổ phần, vì bản thân cổ phần là đơn vị góp vốn, đơn vị chuyển nhượng và đơn vị hạch toán các quyền và lợi ích của cổ đông nên hành vi mua cổ phần cũng chính là hành vi mua cổ phiếu. Cho nên, trong trường hợp này thuật ngữ “mua cổ phần” và thuật ngữ “mua cổ phiếu” là không có sự khác biệt về bản chất.

[12] Khoản 2 Điều 1, Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

[13] Chi tiết xem thêm: Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2009), Công ty: vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật doanh nghiệp năm 2005, NXB Tri thức, tr. 140-141; Phan Thị Tường Tâm (2003), Cổ phiếu quỹ và quản lý giao dịch cổ phiếu quỹ trên TTCK, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam, số 05, tr. 3-7.

[14] Tại Việt Nam, các nhà làm luật không quy định thời hạn mà CTCP phải thực hiện bán ra hoặc phân phối cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu mà thay vào đó là quy định quy định thời hạn tối thiểu mà sau khi kết thúc mua vào CTCP phải thực hiện việc bán cổ phiếu quỹ. Khoản 1, Điều 39, Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định: “Công ty đại chúng chỉ được bán cổ phiếu quỹ sau 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt mua lại gần nhất, trừ trường hợp cổ phiếu quỹ được bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng cho người lao động trong công ty hoặc công ty chứng khoán mua lại cổ phần của chính mình để sửa lỗi giao dịch”.                    

[15] Xem: п.3, ст.72 Федерального закона “Об акционерных обществах” (Об АО) от 26.12.1995 N 208-ФЗ.

[16] Xem: Tờ trình về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) số 1353/Ttr-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/3/2014.

Lê Vũ Nam, PGS,TS. Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật