Dự thảo Luật Giá: Người tiêu dùng bị đứng ngoài cuộc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo lệch

Dù thừa nhận, dự thảo Luật giá mà Bộ Tài chính đang xây dựng so với Pháp lệnh về giá đã có nhiều điểm mới để đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế thị trường, song nhiều chuyên gia lại cho rằng, dự thảo hơi có phần lệch khi chưa đề cập đến vai trò của người tiêu dùng trong Luật. Nói như TS Nguyễn Minh Phong – Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội: “Mục tiêu của Luật là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nên nhất thiết phải đưa người tiêu dùng vào đối tượng điều chỉnh trong Luật. Trong dự thảo này, chưa thấy vai trò của người tiêu dùng được đề cập đến”.

TS Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, Luật Giá có mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho câu chuyện giá cả của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt của người tiêu dùng. Song, trong những điều luật về định giá, thẩm định giá thuộc dự thảo Luật này dường như đã bỏ quên vai trò của người đi mua (người tiêu dùng). Đơn cử với trường hợp mua nhà, người mua có quyền thuê một nhà tư vấn để có thể thẩm định giá xem căn nhà đó có giá trị là bao nhiêu tiền, chứ không phải quyền quyết định giá là của chủ sở hữu căn nhà đó (người bán – PV). Theo TS Ánh, xuyên suốt cả dự thảo Luật Giá, hình như Luật này đã để người tiêu dùng đứng ngoài cuộc và chỉ chú trọng đến vai trò của người bán.

Giá bình ổn nhưng… không ổn

Liên quan tới câu chuyện về bình ổn giá, TS Vũ Đình Ánh đặt câu hỏi: Nhà nước can thiệp vào bình ổn giá như thế nào? Nếu theo nghĩa thông thường, bình ổn giá nghĩa là giá không thay đổi hoặc có cũng chỉ giao động rất ít. Nhưng ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra tình trạng, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra một mức giá rồi đùng một cái mức giá đó bị đội lên một mức mới rồi cơ quan nhà nước đưa ra các biện pháp giữ mức giá đó yên ổn một thời gian, như vậy là bình ổn? Ông Ánh lấy ví dụ: đơn cử như giá điện, đột nhiên bị đẩy lên tới 15,28% (hồi đầu tháng 3) rồi cứ giữ ở mức đó, thậm chí có đề xuất đẩy giá lên tới trên 60%, như vậy cũng là bình ổn giá? Chính những bất cập này khiến cho việc bình ổn giá của chúng ta mang tiếng là bình ổn nhưng lại thành… chưa ổn. Nói về các quỹ bình ổn giá, TS Ánh cho rằng, một loạt quỹ bình ổn, từ xăng dầu, điện, rồi đến chứng khoán cũng đang có đề xuất lập quỹ bình ổn giá dẫn đến nền kinh tế hiện nay đang bị các loại quỹ bình ổn giá làm nhiễu loạn. “Do vậy, Luật Giá cũng nên quy định cho rõ, thế nào là bình ổn giá và việc nhà nước can thiệp như thế nào trong việc bình ổn giá ở mức độ nào cho hiệu quả”.

Tổ chức thẩm định giá nhà nước: Không cần thiết!

Về đề xuất nên hình thành một tổ chức thẩm định giá thuộc cơ quan nhà nước trong dự thảo, nhiều ý kiến không tán thành đề xuất này. Theo bà Đoàn Thị Mai, Viện Kinh tế tài chính, Nhà nước chỉ nên tập trung vào nhiệm vụ ban hành chính sách, kiểm tra, giám sát hoạt động thẩm định giá theo pháp luật, Nhà nước thẩm tra kết quả thẩm định giá khi cần thiết. Các doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá của mình trước pháp luật. Nếu không tổ chức tốt việc thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực giá cả, thẩm định giá thì có thành lập doanh nghiệp thẩm định giá nhà nước cũng không loại bỏ được tình trạng thỏa thuận ngầm về giá.

TS Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với sự phát triển của kinh tế thị trường, việc định giá trực tiếp của Nhà nước ngày càng bị thu hẹp, nay lại tái lập thẩm định giá nhà nước sẽ dễ là một hình thức biến tướng của định giá. Trước khi có Nghị định 101/2005/NĐ-CP ra đời, khi đó chưa có các tổ chức thẩm định giá tư nhân, các tổ chức nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định giá là hệ thống các Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính và các Sở Tài chính. Đến nay, các đơn vị này đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. “Nay dự thảo Luật lại tái lập tổ chức thẩm định giá nhà nước là không phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Phương Thảo
Nguồn: Báo Điện tử Đại Đoàn Kết