Dự thảo Luật Quảng cáo: Phải rõ ngay từ khái niệm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Không thể đánh đồng tuyên truyền, cổ động chính trị với quảng cáo

Đa số các ý kiến tại Hội nghị tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, phục vụ thẩm tra dự án Luật Quảng cáo đều chưa đồng tình với định nghĩa về quảng cáo vì cho rằng giải thích như dự thảo luật là chưa chính xác và rõ ràng.

Điều 3 dự thảo Luật viết: quảng cáo là việc giới thiệu đến công chúng về cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ (có mục đích sinh lời và không có mục đích sinh lời). Theo TS Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban Kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam, bản chất, mục đích của quảng cáo nằm ở phương diện marketing, do đó phải tách bạch quảng cáo thương mại và quảng cáo phi thương mại. Các loại hình quảng cáo phi thương mại ở đây là các chương trình tuyên truyền, cổ động của các cơ quan truyền thông vì mục đích chung của cộng đồng nên không thể xem xét như quảng cáo thương mại. Nếu định nghĩa như dự thảo luật thì rất nhiều nội dung cũng có thể bị quy chụp là quảng cáo. Điều này cho thấy phải có tiêu chí rõ hơn cho quảng cáo để chống quảng cáo trá hình. Theo bà Tâm, quảng cáo cần được nhận diện đầy đủ ở cả 3 tiêu chí: về nội dung (giới thiệu cái gì), phương tiện (thực hiện trên phương tiện nào) và mục đích (để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ…?).

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng cũng cho rằng, mục đích của nội dung các pano, băng rôn khẩu hiệu là tuyên truyền, giáo dục, cổ động công chúng mà không hề có ý nghĩa quảng cáo cho một tổ chức, ngành nghề, đơn vị nào. Không thể đánh đồng giữa tuyên truyền cổ động chính trị với quảng cáo vì như thế sẽ hạ thấp giá trị, ý nghĩa của hoạt động tuyên truyền, cổ động chính trị vì vậy nên có văn bản riêng để điều chỉnh hoạt động này.

Giao Bộ nào quản lý nhà nước về quảng cáo?

Nên giao Bộ nào quản lý nhà nước về quảng cáo là một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều trong xây dựng dự án Luật. Hai phương án được đề xuất nhiều nhất là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và Bộ Truyền thông. Ngoài ra một số ý kiến đề nghị nên giao Bộ Công thương quản lý vì cho rằng quảng cáo là hoạt động có nhiều yếu tố thương mại, đồng thời dự thảo Luật cũng đã xác định: nội dung của quảng cáo là những thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ.

Theo Phó giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng, vẫn nên giao cho Bộ VH, TT và DL quản lý về quảng cáo như hiện nay nhưng cần viết rõ trong luật là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, các Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ VH, TT và DL thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo. “Việc nêu tên cụ thể các Bộ là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như quyền hạn của các bộ trong việc phối hợp với Bộ VH, TT và DL thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo”.

Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cái đang vướng cần tháo gỡ hiện nay là xác định xem dự thảo luật có điều chỉnh cả hoạt động tuyên truyền, cổ động chính trị hay chỉ điều chỉnh quảng cáo thương mại. Khi đó phân công quản lý nhà nước sẽ dựa trên quan điểm: phần việc chính thuộc về Bộ nào thì giao cho Bộ ấy và chỉ có Bộ đó mới làm được chứ không Bộ nào có thể làm thay.

Cố gắng quy định cụ thể các chế tài trong Luật

Pháp lệnh Quảng cáo ban hành năm 2001 đến nay có nhiều quy định không còn phù hợp có một phần nguyên nhân là do không dự báo được xu hướng cũng như tốc độ phát triển của ngành quảng cáo. Thực tế trong những năm qua, cùng với sự phát triển KTXH, hoạt động quảng cáo ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo cũng như sự mở rộng về hình thức, quy mô và công nghệ. Do đó, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan, ban hành Luật Quảng cáo thay thế Pháp lệnh Quảng cáo để giải quyết những hạn chế, khó khăn hiện tại, tạo ra hành lang pháp lý cao hơn cho hoạt động quảng cáo nhưng luật cần có tầm nhìn trong 5 – 10 tới. Điều này cũng nhằm đáp ứng tốt hơn cho việc thực hiện những cam kết quốc tế liên quan đến quảng cáo mà nước ta đã ký kết.

Bên cạnh đó, nhược điểm chung nhất của các văn bản luật hiện nay là còn nhiều điều quy định chung chung, số lượng quy định phải để ở các văn bản dưới luật nhiều nên hạn chế tính khả thi của luật. Dự án Luật Quảng cáo có liên quan rộng rãi công chúng và nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, do đó cần quán triệt yêu cầu đổi mới xây dựng các văn bản pháp luật của QH là cố gắng quy định cụ thể các chế tài trong luật, hạn chế các văn bản dưới luật.

Có thể nói, dự thảo Luật Quảng cáo có phạm vi điều chỉnh rất rộng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ trên mọi lĩnh vực, trong khi đó thông tin quảng cáo được chuyển tải đến đông đảo công chúng bằng nhiều phương tiện đa dạng khác nhau. Vì vậy, Luật Quảng cáo cần được quy định rõ ràng, minh bạch và cụ thể để có thể đảm bảo lợi ích chính đáng của cả người kinh doanh và người tiêu dùng. 

Nguyên Hải
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân