Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sửa đổi): Sửa đổi quy định về nguyên tắc, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bàn về nguyên tắc ban hành

Điều 12, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005 đã quy định một số nguyên tắc xây dựng biểu thuế, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mức thuế cho từng mặt hàng. Tuy nhiên, theo bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do thì một số nguyên tắc tại văn bản pháp luật hiện hành đã không còn phù hợp như nguyên tắc bảo đảm nguồn thu ngân sách.

Thực tế cho thấy, các nguyên tắc ban hành biểu thuế hiện hành chưa đủ để xử lý các vấn đề đặt ra, nhất là trong việc bảo đảm tính hợp lý giữa thuế suất thuế nhập khẩu đánh vào nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm và sản phẩm nguyên chiếc. Một số trường hợp thuế nhập khẩu của nguyên vật liệu cao hơn linh kiện, phụ tùng quan trọng trong nước chưa sản xuất được, cao hơn sản phẩm nguyên chiếc dẫn đến không khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, không khuyến khích sản xuất để tạo thêm giá trị gia tăng. Chưa kể, số lượng mức thuế suất của biểu thuế còn nhiều, tạo nên sự phức tạp, dễ nhầm lẫn, tranh chấp trong kê khai, tính thuế.

Để khắc phục hạn chế trên, thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hóa biểu thuế, điểm a khoản 1 Điều 11 dự thảo có quy định, nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất nhằm “góp phần phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước; khuyến khích xuất khẩu; khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường”. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng, nội hàm, bản chất của từ “phát triển” và “bảo hộ” không có gì khác nhau, thực chất đều nhằm phát triển sản xuất trong nước. Với xu hướng hội nhập, ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ trong việc có nên giữ cụm từ “bảo hộ” hay không, bởi bảo hộ sản xuất chỉ phù hợp với sự phát triển ở những năm 80.

Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, nguyên tắc hiện nay là bảo đảm thuế xuất nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm tới nguyên liệu thô. Theo cách hiểu của doanh nghiệp thì những sản phẩm nhập khẩu dưới dạng linh kiện luôn có thuế suất cao hơn dạng nhập linh kiện về lắp ráp. Song, thực tế lại không phải như vậy. Cụ thể như đối với sản phẩm động cơ ô tô, theo Hiệp định ký kết với ASEAN thì thuế suất chuyển về 0% tuy nhiên những linh kiện động cơ ô tô nhập về lắp ráp thì giữ nguyên thuế suất 5%. Tương tự, Honda Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư nhà máy công phu lắp ráp từng chi tiết nhỏ lẻ, tạo việc làm cho hàng nghìn công nhân song vẫn chịu thuế suất 5%. Như vậy, sẽ không còn công ty nào dám đầu tư máy móc, sản phẩm phát triển công nghiệp phụ trợ. Điều này có phù hợp với nguyên tắc của luật hay không, có đi ngược lại với chính sách phát triển ngành công nghiêp ô tô hay không, cũng là câu hỏi được đặt ra. Thực tế đó đòi hỏi, cần có quy định giám sát các cơ quan ban hành biểu thuế sao cho đúng với nguyên tắc của biểu thuế xuất nhập khẩu.

Làm rõ thẩm quyền ban hành

Về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất, dự thảo đã đưa ra 2 phương án khác nhau. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu. Có ý kiến cho rằng, phương án Bộ Tài chính căn cứ vào nguyên tắc, mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết, là phù hợp với thực tế. Bởi nó bảo đảm tính phù hợp trong việc xây dựng mức thuế suất tương ứng với từng thời kỳ, điều chỉnh kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường quốc tế; chủ động trong việc thực hiện cắt giảm các mức thuế suất theo cam kết hội nhập.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Hùng – đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bày tỏ lo ngại về điểm hạn chế của phương án này, bởi tính ổn định của biểu thuế không cao, dễ phát sinh các ý kiến trái chiều khi quy định mức thuế suất giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp liên quan. Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thuế suất ổn định là điều rất cần thiết, bởi thuế suất thường xuyên thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu. Thực tế, thuế suất thay đổi theo vốn đầu vào, tức là giá nhập khẩu thấp thì thuế suất cao và giá nhập khẩu cao thì thuế suất thấp, gây khó cho doanh nghiệp trong tính toán giá vốn hàng hóa. Để doanh nghiệp đỡ bị tác động bởi sự thay đổi liên tục của thuế suất, dự thảo nên quy định theo phương án 2, tức là để cho Thủ tướng Chính phủ quy định biểu thuế xuất nhập khẩu với từng mặt hàng, quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thẩm quyền này cũng phù hợp với xu hướng Việt Nam tham gia sâu rộng vào các FTA khi lộ trình cắt giảm thuế quan đã được xác định và phải tuân thủ thực hiện theo đúng cam kết. Đối với thuế xuất nhập khẩu, thực tế có 90% kim ngạch xuất khẩu có mức thuế đã được cam kết tại các hiệp định tự do hóa thương mại theo lộ trình từ 3 – 5 năm. Trong khi, quy định mức thuế xuất nhập khẩu luôn có những ý kiến khác nên việc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành biểu thuế xuất nhập khẩu sẽ bảo đảm được tính ổn định lâu dài.

 Theo khoản 3, Điều 11 về nguyên tắc, thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất, “trường hợp vi phạm các cam kết quốc tế dẫn đến việc lợi ích Việt Nam bị xâm hại hay vi phạm, Chính phủ báo cáo Quốc hội áp dụng thuế phòng vệ thương mại khác”. Theo ông Vũ Như Thăng, Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tài chính, Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định này, bởi vì hiện nay trong tất cả các FTA đều có cơ chế giải quyết tranh chấp. Nếu không vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp thì giá trị của hiệp định FTA sẽ không cao.

Thảo Mộc
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân