Dự thảo Luật Việc làm nhiều quy định có lợi cho người lao động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều quy định có lợi cho người lao động

Với sự thay đổi về cơ cấu dân số, Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng – tức là cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 hoặc trên 60 tuổi) thì có 2 hoặc hơn trong độ tuổi lao động (15 – 60 tuổi). Chính vì lẽ đó, việc sớm ban hành Luật Việc làm đi cùng với Luật Lao động sẽ tận dụng được cơ cấu dân số này. Theo GS Nguyễn Quang Thái, hiện lực lượng lao động nước ta có chừng 51 triệu, chiếm 57,3 dân số và có khoảng 4 – 5% là thất nghiệp ở thành thị hoặc thiếu việc làm ở nông thôn. Do là thời kỳ dân số vàng, nhưng nhu cầu có việc làm cho người lao động cũng trở nên cấp bách; đồng thời Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn dề như di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, mất cân bằng giới tính cũng như nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Không chỉ tận dụng được thời điểm cơ cấu dân số vàng, dự thảo Luật Việc làm được đánh giá là có nhiều quy định có lợi cho người lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định chế độ hỗ trợ duy trì việc làm. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Đồng chia sẻ: một trong những biện pháp bảo đảm việc làm, phòng chống thất nghiệp cho người lao động là hỗ trợ cho người sử dụng lao động để người sử dụng lao động đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, thanh toán các chế độ (tiền lương, BHXH, bảo hiểm việc làm) góp phần duy trì, ổn định việc làm cho người lao động. Vì vậy, đối tượng áp dụng chế độ duy trì việc làm là người sử dụng lao động. Do đó, dự thảo Luật Việc làm quy định, người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình. Ngoài ra, người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất.

Còn những quy định có tính khẩu hiệu

TS Trần Thị Thúy Lâm, Phó bộ môn Luật Lao động, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sự ra đời bảo hiểm việc làm là rất cần thiết nhưng các nhà làm luật cần nhắc đến tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp hiện nay. Hơn nữa, việc cùng một lúc phải đóng nhiều loại bảo hiểm có được sự đồng tình từ phía người sử dụng lao động, cũng như người sử dụng lao động không? Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia đặt vấn đề, bảo hiểm việc làm cũng là một loại hình bảo hiểm – tại sao không tận dụng cơ sở, tổ chức bộ máy, mô hình dịch vụ hiện có của BHXH để giải quyết những vấn đề của bảo hiểm việc làm. Đây rõ ràng là một đề xuất đáng để các nhà làm luật tính đến, bởi việc ban hành một chế độ, kể cả đó là chế độ an sinh xã hội đều phải tính đến những tác động KT – XH mà nó mang lại cũng như cơ chế,  bộ máy vận hành. Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, mặc dù có xây dựng thang bảng lương theo quy định nhưng tại nhiều doanh nghiệp FDI có tới 30 – 40 bậc lương, khoảng cách giữa các bậc liền kề chỉ chênh nhau 10.000 – 15.000 đồng; không chỉ bị trả lương thấp, công nhân còn bị xà xẻo đủ kiểu. Theo quy định, sau 3 năm doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động, tuy nhiên theo thống kê thì có trên 20% số lao động không được tăng lương, hoặc tăng mỗi lần rất ít và thường xuyên trả theo hình thức khoán sản phẩm.

Ở góc độ khác, GS Nguyễn Quang Thái băn khoăn khi dự thảo Luật có nhiều quy định mang tính khẩu hiệu không lý giải thể hiện tính khả thi. Ví dụ tại Điều 5, khoản 2 ghi: “Người lao động được bảo đảm cơ hội việc làm”. Ai bảo đảm, bảo đảm bằng biện pháp nào, nhất là vấn đề đào tạo, đào tạo lại và đẩy mạnh thị trường lao động cạnh tranh. Hơn nữa, việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng việc làm theo kiểu kế hoạch tập trung không còn thích hợp với kinh tế thị trường hiện nay. Do vậy, việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng việc làm chỉ nên là dự báo và điều tiết bằng cơ chế.

Trần Phương Minh
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân điện tử