Dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng: Có thể vi phạm Luật Cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Lo ngại độc quyền trên thị trường vàng

Mặc dù có 8 doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng, nhưng thương hiệu SJC đang thống lĩnh trên thị trường vàng khi chiếm hơn 90% thị phần, 7 doanh nghiệp còn lại chỉ còn 10%. Trong dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng mà NHNN vừa trình Chính phủ, một tiêu chí khiến các DN kinh doanh vàng lo ngại là vốn điều lệ phải có tối thiểu 500 tỷ đồng, đây là một con số không nhỏ với các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay. Với điều kiện này, hiện chỉ có duy nhất Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đáp ứng được. Bởi thế, thị trường những ngày qua đã chứng kiến làn sóng bán tháo vàng thương hiệu khác, chênh lệch giá vàng giữa các công ty kinh doanh so với SJC cũng khá cao. Để trấn an thị trường, NHNN chiều ngày 21/11/2011 đã phát đi thông điệp các loại vàng miếng không phải thương hiệu SJC vẫn được lưu thông nếu Nghị định mới chính thức được ban hành. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ vì quyền lợi của hàng triệu người dân đang nắm giữ vàng của những nhà sản xuất khác mà là sự lo ngại của tình trạng độc quyền, khó kiểm soát giá khi chỉ có một nhãn hiệu đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Giám đốc một DN kinh doanh vàng lo ngại: Có sự độc quyền thì giá mua, bán sẽ không tốt, chất lượng dịch vụ cũng không tốt, kích thích việc mua, bán lậu và khuyến khích thị trường vàng “chợ đen” phát triển. Điều đó gây khó khăn cho công tác quản lý vàng bạc và ngoại tệ của Nhà nước. NHNN đang kỳ vọng sẽ đưa giá vàng trong nước tiến sát giá vàng thế giới, hiện nay dù chưa tăng thuế giá trị gia tăng, mà giá vàng trong nước và thế giới đã có khoảng cách khó gần nên kỳ vọng của NHNN là khó thực hiện, nếu dự thảo mới được thực thi. Thực tế, có những thời điểm nhu cầu vàng trong nước tăng cao, cả 8 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng miếng cùng cung cấp vàng mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, nếu chỉ còn 1 doanh nghiệp cung cấp thì có thể sẽ gây khan hiếm, cầu vượt cung, giá vàng tăng cao, thị trường vàng bị rối loạn.

“Nghi án” vi phạm Luật Cạnh tranh?

Tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh là chủ trương của Nhà nước đang đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua và sắp tới. Tuy nhiên, với nội dung của dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng của NHNN, một chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh cho rằng: Bằng biện pháp hành chính để tạo nên một đơn vị độc quyền trong môi trường cạnh tranh là không ổn, đây chính là một hình thức hạn chế cạnh tranh. Vị chuyên gia này phân tích: Quy định trong dự thảo của NHNN rất có thể vi phạm khoản 2 và khoản 4 điều 6, Luật Cạnh tranh: Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó quy định cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện các hành vi để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “Phân biệt đối xử với các DN” và “Cản trở kinh doanh hợp pháp của DN”. Quan điểm được chuyên gia đưa ra là: nếu DN vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật chứ không được hạn chế sản xuất của DN. Nếu để một DN thống lĩnh thị trường thì việc thao túng thị trường là rất có thể xảy ra. Rõ ràng là các DN kinh doanh, sản xuất vàng miếng khác SJC đã được NHNN cấp phép hoạt động, với những quy định này, mọi đầu tư, cố gắng trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường của họ sẽ bị xóa sổ.

Sự nhạy cảm quá mức của thị trường với một loại hàng hóa đặc biệt như vàng, đã khiến không ít người lo ngại về tính khả thi của Nghị định quản lý thị trường vàng liệu có đạt được mục tiêu đề ra là giữ bình ổn thị trường.

Duy Minh
Nguồn: Báo điện tử Công thương