Dự thảo sửa đổi Thông tư 13: Mở dòng tín dụng hợp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thay đổi định nghĩa tổng tiền gửi và dư nợ

Điểm chú ý đầu tiên của dự thảo sửa đổi thông tư là tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi. Tỷ lệ này được ấn định là 80% đối với các ngân hàng và 85% đối với các công ty tài chính, không đổi so với Thông tư 13. Năm ngoái khi tạm ngưng thực hiện một số điều của Thông tư 13, tỷ lệ trên được nhiều ngân hàng thực thi ở mức 95%.

Như vậy về mặt số học, tỷ lệ trên lấy lại tỷ lệ của Thông tư 13, tức giảm. Tuy nhiên định nghĩa thế nào là dư nợ cho vay và tổng tiền gửi mới quan trọng.

Theo dự thảo sửa đổi, “tiền gửi bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân, không bao gồm tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác”. Theo Thông tư 13, “tiền gửi bao gồm tiền gửi của cá nhân có kỳ hạn và không kỳ hạn; tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức; bao gồm tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Thay đổi lớn nhất là tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức được tính vào tổng tiền gửi. Đây là thay đổi căn bản, nâng tổng tiền gửi của ngân hàng vì tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức (đặc biệt tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp) rất lớn. Các tổ chức như kho bạc, bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp có số thu tiền đồng lớn như xăng dầu… đều có tiền gửi không kỳ hạn lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng/đơn vị. Hai năm trước, khi tiền gửi của Kho bạc không được tính vào vốn huy động, một số ngân hàng đã kêu trời!

Dự thảo thông tư loại bỏ tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác ra khỏi tổng tiền gửi, mà trên thực tế liên quan đến vốn vay trên thị trường liên ngân hàng. Điều này làm cho tổng tiền gửi trở nên thực chất hơn và nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến tổng tiền gửi hiện tại vì những ngân hàng đi vay trên liên ngân hàng chủ yếu là các tổ chức tín dụng yếu kém, đang trong quá trình tái cơ cấu.

Về dư nợ cho vay, dự thảo thông tư không tính tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác vào tổng tiền gửi, thì dư nợ cho vay của những tổ chức này cũng không tính vào tổng dư nợ. Điều này khá sòng phẳng và xuyên suốt. Tuy nhiên các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cho vay và đầu tư lại được dự thảo thông tư đưa vào tổng dư nợ. Năm ngoái đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư được nhiều ngân hàng tiến hành để lách dư nợ tín dụng, khiến cho tăng trưởng tín dụng bị bóp méo. Từ quí 4-2011, NHNN đã kiểm soát chặt hai loại hình tín dụng này.

Linh hoạt tín dụng chứng khoán

Cho vay chứng khoán được nới lỏng nhiều căn cứ vào dự thảo thông tư.

Theo Thông tư 13 (khoản 7-8-9, điều 8), tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán (nghĩa là cắt hẳn nguồn tín dụng của ngân hàng cho công ty tài chính, công ty chứng khoán trực thuộc); tổng dư nợ cho vay chứng khoán không được vượt quá 20% vốn điều lệ ngân hàng. Dự thảo thông tư mở khá thoáng (điều 9): khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ an toàn trong hoạt động, ngân hàng được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá cho khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu. Và tổng dư nợ cho vay chứng khoán “không vượt quá tỷ lệ do NHNN quy định trong từng thời kỳ”.

Ngoài ra, theo Thông tư 13, các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay công ty chứng khoán, các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản phải tính hệ số rủi ro 250%. Trong số này đầu tư trái phiếu cũng được tính là đầu tư chứng khoán và nhiều ngân hàng đã có thời không dám mua trái phiếu dù dư dả vốn. Dự thảo thông tư làm riêng một phụ lục (gọi là phụ lục 2) để tính toán hệ số rủi ro của tài sản có, theo đó hệ số rủi ro của các khoản cho vay chứng khoán được dự tính là 150%, giảm gần một nửa so với mức hiện hành.

Nhìn toàn bộ, dự thảo thông tư uốn nắn để dư nợ và vốn huy động trở về đúng thuần chất của nó, không còn những mập mờ, hai mang mà bất kỳ ai hiểu thế nào cũng được. Từ đây các tỷ lệ an toàn trong hoạt động sẽ phản ánh đúng quan hệ cung cầu vốn, giúp cơ quan quản lý điều tiết các van đóng mở tiền tệ một cách chính xác. Điều này là tối cần thiết khi mà tín dụng cho nền kinh tế không những đang tăng trưởng âm, mà còn có những chỗ lồi lõm, nơi cần vốn thì không thể tiếp cận, nơi thừa vốn thì không thể cho vay.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online