Dự thảo Thông tư về thuế chứng khoán: Một số điều chưa hợp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều điểm mới

Tại dự thảo Thông tư đã đưa ra một hướng dẫn về tính thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán. Trong đó có nêu rõ, trường hợp chuyển nhượng chứng khoán là trái phiếu trong giao dịch repo (giao dịch mua, bán lại chứng khoán có kỳ hạn) đối với cá nhân áp dụng phương thức thuế khoán nộp thuế 0,1%/doanh số bán đối với giao dịch lần hai.

Ngoài ra, thu nhập từ chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phần của các công ty cổ phần chưa đại chúng) được xác định bằng 20% trên thu nhập tính thuế đối với cá nhân cư trú hoặc 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại Việt Nam.

Thu nhập từ lợi tức, trái tức (trừ lãi trái phiếu Chính phủ), lãi tín phiếu chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác nộp theo mức thuế suất 5% trên thu nhập nhận được. 

Bên cạnh đó, đối với trường hợp Quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản chia lợi tức cho nhà đầu tư cá nhân, công ty Quản lý Quỹ có trách nhiệm khấu trừ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 25% và tiếp tục khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân trước khi chi trả cho nhà đầu tư.

Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam cho rằng, dự thảo về chính sách thuế trong lĩnh vực chứng khoán còn sơ sài, chưa nêu cụ thể đối tượng thuộc diện nộp thuế chứng khoán. Thông tư nên phân thành 2 nhóm đối tượng để có phương pháp tính thuế phù hợp: nhóm đối tượng doanh nghiệp hạch toán đầy đủ, chịu thuế TNDN; nhóm đối tượng chịu thuế khoán.

Ý kiến một số công ty chứng khoán cho rằng, khi xây dựng thông tư về chính sách thuế trong lĩnh vực này cần cân nhắc đến việc thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bộ Tài chính cũng nên có các hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư nước ngoài thuận tiện trong việc hoàn thuế theo các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký giữa Việt Nam và các nước.

Một số bất cập

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phần của các công ty chưa đại chúng) được xác định bằng 20% trên thu nhập tính thuế hoặc 0,1% trên tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại Việt Nam.

Trên thực tế, phương pháp như trong dự thảo chỉ đơn thuần lấy giá bán trừ giá mua và như vậy nhà đầu tư phải chịu 1 khoản thuế thu nhập quá cao trong khi các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), cổ phiếu niêm yết bị thua lỗ không được khấu trừ thuế. Cách tính này sẽ làm cho nhà đầu tư cá nhân trong nước không đầu tư vào cổ phiếu OTC (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa). Theo đó, cơ hội huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khó khăn khi việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay còn khó khăn. 

Nhiều chuyên gia lĩnh vực tài chính đưa ra ý kiến, bất hợp lý kể tới là khi các nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào chứng chỉ quỹ chịu mức thuế cổ tức lên tới 25%, thuế TNCN 5% cho tổng lợi nhuận được chia. Mức thuế này theo đánh giá là khá cao so với việc đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Cách làm này vô hình trung sẽ hạn chế hoạt động của các công ty quản lý quỹ.

Tại hội thảo về xây dựng và thi hành pháp luật thuế đối với các quỹ đầu tư chứng khoán được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ Đầu tư chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 1,2 triệu nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó 90% là các nhà đầu tư nhỏ lẻ với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế.

Các đối tượng này chủ yếu đầu tư theo phong trào, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư tổ chức đối với TTCK là rất quan trọng do nó tác động tích cực tới khu vực thị trường vốn, đồng thời góp phần nâng cao năng lực quản trị rủi ro. Theo quan điểm ông Long, trong thời gian tới, chính sách thuế nên có hướng sửa đổi thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức tham gia TTCK.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho răng, dự thảo Thông tư hướng dẫn cũng cần phần biệt rõ sự khác nhau giữa chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn, đây là vấn đề đã tồn tại của chính sách cũ. Bên cạnh đó, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán cũng cần nêu cụ thể các loại chi phí cơ bản trong hoạt động đầu tư chứng khoán: tiền lương, tiền thưởng, chi phí trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán./.

Hải Yến
Nguồn: Báo điện tử Hải quan