Dự thảo thông tư mới có sai Luật Giá?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TPHCM, ông Arnaud Renard, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng, việc bỏ bình ổn giá sữa là việc làm hợp lý trong thị trường sữa cạnh tranh như hiện nay.

Tuy nhiên, ông cho rằng dự thảo của Bộ Công Thương đã sai Luật Giá. Cụ thể, luật giá quy định việc kê khai giá chỉ cần nộp thông báo cho cơ quan quản lý; trong khi đó, theo dự thảo thông tư của Bộ Công Thương thì giá sữa gần như phải đăng ký giá, phải xin phép. Khi doanh nghiệp gửi giá đăng ký đến cơ quan quản lý, cơ quan quản lý xem xét, không chấp nhận thì doanh nghiệp không được áp dụng giá đó và doanh nghiệp sẽ không được điều chỉnh giá.

“Việc làm này đã can thiệp quá sâu vào quyền định giá của doanh nghiệp”, ông Renard nói.

Trả lời ông Renard, ông Nguyễn Lộc An, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư khẳng định, đã làm đúng luật và các văn bản hướng dẫn.

“Nghị định 177/2013 hướng dẫn thi hành Luật Giá và Nghị định 149/2016 hướng dẫn bổ sung quy định sữa cho trẻ dưới sáu tuổi thì Bộ Công Thương được toàn quyền quản lý”, ông An khẳng định.

Ông An cũng nêu thêm, nghị định trên cho phép Bộ Tài chính quy định mẫu và hướng dẫn tiếp nhận văn bản kê khai giá. Bộ Tài chính đã có Thông tư 56/2014 và Thông tư 233/2016, hướng dẫn cho phép cơ quan quản lý được quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình về giá, nếu doanh nghiệp giải trình không hợp lý thì cơ quan quản lý có quyền buộc doanh nghiệp áp dụng giá hiện dùng, không tăng giá mới.

Một đại diện từ Sở Công Thương TPHCM giải thích, theo dự thảo khi tăng, giảm giá sữa trong phạm vi 5% doanh nghiệp phải gửi thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước, hay nếu tăng giảm liên tiếp mà cộng dồn lại hơn 5% thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục kê khai giá.

Vị đại diện này nêu ví dụ, nếu tuần thứ nhất doanh nghiệp tăng 2%, tuần thứ 2 tăng tiếp 2%, tổng cộng hai tuần liên tiếp chỉ tăng trong phạm vi 4%, như vậy doanh nghiệp sẽ không cần phải kê khai. Nhưng vị này đặt vấn đề là nếu tuần thứ 3 ngay sau đó doanh nghiệp tiếp tục tăng 3% nữa thì có được tính tổng cộng liên tiếp là đã tăng 6%, vậy có phải kê khai không?.

Trả lời vấn đề này, ông An nói trước đây Luật Giá cũng đã có kẽ hở khi quy định chỉ không khai quá 15%, theo đó doanh nghiệp xin tăng từ 12-14%. Ông An cho biết sẽ tiếp thu và xem xét điều chỉnh lại mức tăng này.

Đại diện Công ty Vinamilk cũng cho rằng việc tính mức biến đổi liên tiếp trên 5% như dự thảo cần được xác định cụ thể, “liên tiếp” là trong khoảng thời gian nào, trong vòng sáu tháng, một năm hay hai năm. Ông cho rằng một năm, hai năm là thời gian dài và có nhiều biến động về giá thành.

Như vậy, sau gần ba năm áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới sáu tuổi, bắt đầu từ tháng 31/3/2017 biện pháp áp giá trần với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hết hiệu lực. Bộ Công Thương được giao quản lý giá sữa thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Hiện tại Bộ Công Thương đang lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Dự kiến cuối tháng 4, thông tư sẽ được hoàn thành và trình các cơ quan quản lý, sau đó áp dụng chính thức.

Theo dự thảo thông tư, các thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng gửi thông báo mức giá theo mẫu khi điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Thông báo giá này phải được gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận theo phân cấp. Trong trường hợp cộng dồn các lần điều chỉnh tăng, giảm giá liên tục theo hình thức gửi thông báo mức giá trên mà vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó thì thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

Song song đó, trong trường hợp thương nhân kinh doanh sản phẩm sữa thực hiện kê khai giảm giá thì được thực hiện giảm giá ngay. Và khi giảm giá cần thông báo bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Vũ Yến
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn