Dự thảo Thông tư về thuốc Bảo vệ thực vật – Đừng làm khó doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Loay hoay với hợp chuẩn, hợp quy

Thời gian thực hiện hợp chuẩn, hợp quy trong sản phẩm thuốc BVTV là quy định đã được Bộ NN và PTNT ban hành theo Thông tư 03/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25.2.2015 đối với tất cả các cơ sở kinh doanh trong ngành BVTV. Song tới thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay không biết tiến hành thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy trên các sản phẩm như thế nào cũng như chưa rõ cơ quan nào quản lý, chỉ đạo và cấp chứng nhận cho doanh nghiệp thực hiện. 

Theo đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV, cho đến nay, Cục BVTV vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc các đơn vị, doanh nghiệp, Sở NN và PTNT các tỉnh sẽ thực hiện theo quy định nào về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Trên thực tế, mặc dù Thông tư 55/2012 đã được ban hành nhưng đây mới chỉ là thông tư hướng dẫn chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với các tổ chức chứng nhận hợp quy vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tại một số địa phương, khi hiệu lực bắt buộc thực hiện chưa tới, doanh nghiệp đã bị các cơ quan chức năng phạt vì chưa in dấu chứng nhận hợp quy.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hợp chuẩn hợp quy là vấn đề gây nhiều rắc rối cho doanh nghiệp và không nên áp dụng tiêu chuẩn cơ sở để đánh giá hợp quy bởi đây chỉ là phương pháp nghiên cứu, phương pháp xác định, muốn đánh giá được đòi hỏi phải có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thế nhưng, cho đến nay nhiều người vẫn còn lẫn lộn khái niệm tiêu chuẩn và quy chuẩn nên để có căn cứ cho doanh nghiệp thực hiện việc in dấu hợp quy là rất khó khăn. Ông Nguyễn Đắc Lộc – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho rằng, nên đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn nhất định và có hướng dẫn cụ thể làm căn cứ để doanh nghiệp công bố hợp quy.

Giám đốc Công ty CP Phát triển thương mại ADI Lê Thanh Hải cũng bày tỏ nguyện vọng, sau khi các cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn cụ thể thì nên cho doanh nghiệp một lộ trình, thời gian nhất định để tiến hành làm và chuẩn bị cho việc thay nhãn mác theo đúng quy định, tránh những tổn thất, lãng phí không đáng có.

Phân loại độ độc theo GHS

Theo Dự thảo Thông tư mới, các thuốc BVTV phải được phân loại độ độc theo GHS chứ không phân loại theo WHO/FAO như trước. Theo các tài liệu nước ngoài thì GHS là hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn mác hóa chất với sự thỏa thuận có tính quốc tế được bảo trợ bởi Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Gs.Ts Nguyễn Trần Oánh cho rằng, việc chuyển đổi từ hệ thống WHO/FAO về phân loại độ độc sang GHS là chưa phù hợp với thực tế hiện nay bởi có sự khác nhau hoàn toàn về hai hệ thống này. GHS chứng nhận cho hóa chất nói chung, phân biệt theo hai con đường qua miệng hay qua da chứ không phân biệt theo dạng thuốc này hay dạng thuốc khác, trong khi đối với thuốc BVTV thì việc phân loại theo dạng thuốc rất quan trọng.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cũng chỉ ra rằng, về phân loại độ độc, trên thế giới không bắt buộc các nước phải áp dụng GHS, rất ít quốc gia sử dụng để phân biệt độ độc của thuốc mà chỉ dùng để quy định chung cho nhãn bao bì. Việc phân loại giữa GHS và WHO, FAO có sự khác biệt rất lớn, nếu áp dụng ngay sẽ có không ít loại thuốc BVTV đã có trong danh mục không thể sử dụng được.

Mặt khác, các doanh nghiệp hiện quen với việc phân loại nhóm độc tính của thuốc đều theo WHO, FAO mà chưa hề áp dụng theo tiêu chuẩn của GHS vì vậy, nếu áp dụng ngay sẽ khiến doanh nghiệp lúng túng. Chưa kể, việc thay đổi tên nhãn mác cũng rất phức tạp, doanh nghiệp phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn và lộ trình ghi nhãn mác sản phẩm phù hợp theo GHS để giúp doanh nghiệp chủ động, có thể dễ dàng tiếp cận và thay đổi.

Dương Cầm
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân