Đưa nông sản vào hệ thống phân phối: Doanh nghiệp chưa mặn mà
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 “Ngại” thị trường nội địa?

Ông Trần Văn Lộc- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang – cho biết: Bắc Giang là một trong những tỉnh có sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề “được mùa rớt giá” đã thành căn bệnh cố hữu và là mối lo với nông dân mỗi khi thu hoạch nông sản. Mặc dù đã có Quyết định 80/2002/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về liên kết “bốn nhà”, nhưng sau 10 năm triển khai vẫn chưa tạo được mối liên kết này. Việc cạnh tranh không lành mạnh, giá cả diễn biến thất thường, mối tương quan giữa người sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ… liên tục diễn ra.

Một thực tế đáng nói, trong khi nhiều loại nông sản không có thị trường ổn định, “lúc trồi, lúc sụt” thì các DN chế biến, tiêu thụ yêu cầu chất lượng cao lại đang thiếu nguyên liệu trầm trọng (chỉ đáp ứng khoảng 47%). Ông Mạnh Quân Đông- Giám đốc Công ty Xuất khẩu rau quả Phương Đông- cho rằng: Hiện nay tổng công suất của nhà máy chế biến nông sản của công ty đạt năng suất 20 tấn/giờ. Với số lượng như vậy, nếu phát huy hết công suất cũng như khả năng thì doanh thu của công ty sẽ trên 20 triệu USD. Tuy nhiên, nhà máy vẫn chỉ hoạt động cầm chừng do không đủ nguồn nông sản, rau quả có chất lượng.

Theo ông Lộc, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phần lớn sản phẩm vẫn chủ yếu sản xuất tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm nông dân làm ra chưa được áp dụng kỹ thuật nên còn kém chất lượng… Bên cạnh đó, sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập. Mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ nhưng cũng chưa phát huy được tác dụng. Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với 2 mô hình: Nông dân- hợp tác xã (HTX)- DN và nông dân- hộ kinh doanh- DN;

2 mô hình đã phát huy hiệu quả, mở rộng được diện tích gieo trồng, đạt chất lượng, giá cả ổn định… Song, đây mới chỉ là mô hình thí điểm, nếu không tiếp tục triển khai, nhân rộng sẽ không phát huy được hết thế mạnh của các vùng nông sản.

Một bất cập lớn hiện nay khiến không chỉ các DN sản xuất chế biến đang mất dần vị thế trên sân nhà là việc bỏ hệ thống phân phối nội địa như siêu thị, trung tâm thương mại… Theo khảo sát tại tỉnh Bắc Giang, hầu hết các DN chế biến nông sản ở các địa phương chưa mặn mà với việc đưa hàng vào hệ thống phân phối nội địa. Trên địa bàn có hơn chục DN chế biến nông sản thì đến 95% sản phẩm dành cho xuất khẩu. Bên cạnh nguyên nhân nguyên liệu chế biến ít, chỉ đủ cho xuất khẩu, nhiều DN cho rằng: Mặc dù họ làm xuất khẩu rất tốt, thậm chí thương hiệu đã trở thành quen thuộc đối với nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Nga… nhưng khi quay lại thị trường Việt Nam lại rất khó khăn bởi nhiều rào cản như: Thiếu vốn, khoảng cách xa nâng cao giá thành, giảm sức cạnh tranh…

Ông Mạnh Quân Đông nhấn mạnh: Hướng đến thị trường trong nước, công ty đang gặp nhiều khó khăn: DN ở xa Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn, có sức tiêu thụ mạnh nên thiếu sự gắn kết; các siêu thị luôn đòi hỏi mức giá thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh, trong khi các loại hàng hóa của công ty có khối lượng nặng, nếu chở quá tải sẽ bị xử phạt, nếu chở khối lượng nhỏ thì chi phí vận chuyển cao, không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại có khoảng cách ngăn hơn.

Không thể tiêu thụ theo kiểu truyền thống

Bà Trần Thị Hồng Hoa- đại diện Công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO)- chia sẻ: Công ty đã làm việc với nhiều DN, nhà sản xuất nông sản nhằm liên kết đưa hàng vào siêu thị. Tuy nhiên, để đưa nông sản vào được siêu thị phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng và giá cả. Bên cạnh đó, phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, thương hiệu của địa phương. Đặc biệt, khi các địa phương có thương hiệu mới, cơ quan quan chức năng xem xét có nguồn hỗ trợ cho các tỉnh để phát triển thương hiệu vùng miền, từ đó phát triển thành thương hiệu quốc gia. Khi có hỗ trợ cho tỉnh thì các DN chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi để đưa sản phẩm vào hệ thống lẻ.

Ông Trần Hồng Đức- Giám đốc Nhà máy Chế biến nông sản và thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang- cho rằng: Hiện nay rất nhiều DN chế biến không bán được sản phẩm ở trong nước mà chỉ xuất khẩu. Nếu chỉ sản xuất và tiêu thụ theo kiểu truyền thống “mạnh ai nấy làm”, không có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể thì hàng hóa khó có thể vào được các siêu thị. Để đưa được hàng vào siêu thị bên cạnh các tiêu chuẩn về chất lượng, thương hiệu… DN sản xuất còn gặp nhiều khó khăn về gửi hàng, chi phí kho bãi… Trong khi đó, các DN chế biến, xuất khẩu nông sản đa phần còn nhỏ, yếu về tiềm lực. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng cũng không dễ tiếp cận nguồn vốn. Chính vì vậy, DN rất cần được sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Trước nhiều ý kiến phản ánh, ông Nguyễn Văn Chiến- Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho rằng: Đây không phải là vấn đề riêng của nơi nào mà diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Việc thiếu tính định hướng, chế biến tiêu thụ nông sản dẫn đến các DN luôn trong cảnh bấp bênh. Chính vì vậy, Nhà nước và DN cần có cuộc cách mạng trong liên kết, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN như Nghị định 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, Quyết định 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, trong đó hỗ trợ 100% lãi suất 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ 3…

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ như: Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Thương mại miền núi… tích cực, chủ động hỗ trợ, đề xuất giải pháp, chính sách về tiêu thụ nông sản; tăng cường kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết tiêu thụ nông sản.

Thúy Hà
Nguồn: Báo điện tử Công thương